Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khảo sát về ngân sách nhà nước, quản lý doanh nghiệp và công tác quy hoạch
Ngày 22.4, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã khảo sát tại Sở Tài chính về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; quản lý doanh nghiệp và công tác quy hoạch. Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong những năm qua đạt được kết quả tích cực, năm 2024 đạt 7.561 tỷ đồng, tăng 87% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 131% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 50% so với cùng kỳ. Nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước được xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chi hoạt động của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện các chính sách an sinh, xã hội, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, một số chính sách đặc thù của địa phương…

Quang cảnh buổi khảo sát. Ảnh: Lê Huệ
Toàn tỉnh hiện có 4.564 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó số doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài thuộc UBND tỉnh là 7 doanh nghiệp (chiếm 0,001%), gồm 5 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 2 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nghiêm túc, hàng năm Sở Tài chính thực hiện báo cáo giám sát tài chính của các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định.
Sau 4 năm tổ chức thực hiện Luật Doanh nghiệp đã cơ bản đạt được kết quả trong việc thực hiện hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký liên tục tăng, tạo nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Danh phát biểu. Ảnh: Lê Huệ
Về công tác quy hoạch, ngay sau khi Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực, tỉnh đã tích cực triển khai công tác lập quy hoạch ở các cấp. Đến nay, nhiều đồ án quy hoạch quan trọng đã được phê duyệt và đưa vào thực hiện như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn); quy hoạch nông thôn (quy hoạch xây dựng xã); quy hoạch vùng huyện; quy hoạch các khu chức năng. Nhìn chung, đã hoàn tất quy hoạch tỉnh và phủ kín quy hoạch ở cấp xã; đạt tỷ lệ phủ kín tương đối cao đối với quy hoạch đô thị (68,75%), đang tiếp tục hoàn thiện quy hoạch vùng huyện (67%), các khu chức năng trọng điểm (14%). Công tác thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch triển khai đúng quy trình, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch.

Đại diện Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Hòa Bình đề xuất một số vấn đề. Ảnh: Lê Huệ
Tại buổi khảo sát, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; quản lý doanh nghiệp và công tác quy hoạch của Sở Tài chính thời gian qua.
Lãnh đạo Sở Tài chính, UBND thành phố Hòa Bình và đại diện một số doanh nghiệp đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề về phân cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tỉnh; đơn giản hóa thủ tục thẩm định, lấy ý kiến các cấp trong quá trình lập quy hoạch; quy hoạch cấp cơ sở sau khi bỏ cấp huyện; sửa đổi các quy định về nội dung quy hoạch cho phù hợp với mô hình mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống một cửa, công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm, muộn giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công...

Lãnh đạo UBND thành phố Hòa Bình kiến nghị một số vấn đề về công tác quy hoạch. Ảnh: Lê Huệ
Về sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước và các luật có liên quan, đại diện Sở Tài chính đề xuất, để bảo đảm nguồn lực cho Quỹ dự trữ tài chính cũng như đáp ứng nguyên tắc quản lý ngân sách Nhà nước “công khai, minh bạch, công bằng” tại khoản 1, Điều 8 cần quy định tỷ lệ trích phù hợp trong dự toán giao đầu năm như đối với nguồn dự phòng ngân sách, địa phương đề xuất mức trích bằng 0,05% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương. Ngoài ra, nên quy định rõ trong Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng nhiệm vụ chi thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm; việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của từng cấp ngân sách.
Kết luận buổi khảo sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; quản lý doanh nghiệp và công tác quy hoạch của Sở Tài chính. Đồng thời khẳng định, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức cuộc khảo sát thực tế này với mong muốn được lắng nghe những bất cập, tồn tại, khó khăn trong quản lý ngân sách nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công tác quản lý doanh nghiệp, công tác quy hoạch, nhất là đặt trong bối cảnh hiện nay đang thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy và yêu cầu đặt ra về tăng trưởng kinh tế của đất nước, của địa phương.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của Sở Tài chính, UBND thành phố Hòa Bình, các doanh nghiệp, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu và sẽ tổng hợp, báo cáo tới các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.