Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục chương trình thảo luận ở tổ về: Tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Các đại biểu dự thảo luận tạo Tổ 18 chiều 26/10.

Các đại biểu dự thảo luận tạo Tổ 18 chiều 26/10.

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ 18, gồm các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh. Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận.

Thảo luận tại tổ, ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải nhấn mạnh một số nội dung về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và phạm vi sửa đổi. Đồng thời làm rõ thêm các yêu cầu khi sửa đổi Luật Điện lực và nêu một số ý kiến khác nhau cho rằng trong bối cảnh hiện nay, phạm vi sửa đổi luật chưa nên sửa toàn diện mà chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Về việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó bảo đảm dự thảo luật và các văn bản kèm theo tuân thủ đúng Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị, không “Cố ý, chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ” và có các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế.

Về tính khả thi của dự thảo luật, đề nghị tiếp tục rà soát trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định như tính độc lập trong hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện, các bên tham gia mua bán điện, mô hình đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo; đồng thời, tránh quy định chung, khó định lượng, khó khả thi.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam kết luận phiên thảo luận chiều 26/10.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam kết luận phiên thảo luận chiều 26/10.

Về thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực đề nghị thông qua luật tại 2 kỳ họp (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) và thông qua tại Kỳ họp sau) để có đủ thời gian dành cho việc nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước…

Tham gia thảo luận, ĐBQH tỉnh Hà Nam Lê Thị Nga làm rõ một số nội dung trong chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). Theo đại biểu, việc bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng không chỉ tạo tiềm lực, củng cố niềm tin của cổ đông trong quá trình phát triển, mà đặc biệt mang ý nghĩa chiến lược, giúp Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tiến thêm một bước quan trong trong việc vươn lên tầm khu vực và thế giới, phù hợp với tầm nhìn chiến lược về kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Với nền tảng tài chính được củng cố Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế quốc gia, mà còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đã phân tích, làm rõ thêm những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024. Mặc dù có những diễn biến bất ngờ xảy ra, điển hình như cơn bão số 3, nhưng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, hỗ trợ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

ĐBQH Trần Văn Khải phát biểu thảo luận.

ĐBQH Trần Văn Khải phát biểu thảo luận.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thống nhất một số nội dung các đại biểu đã thảo luận tại tổ. Theo đó, các đại biểu nhất trí hiện nay, việc ban hành luật, cơ chế chính sách còn nhiều điểm nghẽn dẫn đến chống chéo giữa các luật, gây khó khăn cho người dân doanh nghiệp cũng như cán bộ thực thi. Vì thế tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, khắc phục các điểm nghẽn. Đối với Luật Điện lực, Luật Đầu tư công cơ bản nhất trí nếu kỳ họp này chưa đủ điều kiện thông qua, đề nghị tổ chức kỳ họp sớm để thông qua.

Đối với Quy hoạch sử dụng đất, các đại biểu trong tổ thống nhất cần thiết phải điều chỉnh và có sự phân cấp, phân quyền để các địa phương có thể linh hoạt trong điều hành, quản lý để phát triển kinh tế - xã hội.

Về bổ sung vốn cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, thống nhất đồng ý tăng vốn cho để Ngân hàng có đủ khả năng tài chính, tăng thu ngân sách, đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc tế.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị thư ký các Đoàn ĐBQH tổng hợp đầy đủ nội dung thảo luận, gửi về cơ quan soạn thảo.

PV (tổng hợp)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/doan-dbqh-tinh-ha-nam-de-xuat-nhieu-giai-phap-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-139767.html
Zalo