Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị xem xét quy định nguyên tắc mức hưởng hỗ trợ tương ứng với khả năng, kinh nghiệm công tác trong hoạt động xây dựng và triển khai thi hành pháp luật.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 16/5, tại phiên họp toàn thể ở hội trường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương đã tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại phiên họp. Ảnh: V.TÂN

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại phiên họp. Ảnh: V.TÂN

Đại biểu Sương đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đồng thời cho rằng, các cơ chế chính sách sẽ tạo động lực mới để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.

Đại biểu Sương đề nghị cần thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Điều này nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, chặt chẽ toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, cần bảo vệ đảng viên, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách này, đại biểu Sương cho rằng dự thảo luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Do đó, đề nghị quyền lợi phải gắn với trách nhiệm và mong các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đến điểm này.

"Thời gian qua, hoạt động xây dựng pháp luật là một trong nhiệm vụ lớn, thường xuyên của đoàn ĐBQH tỉnh. Tuy nhiên, khi đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến các dự án luật, hầu như các cơ quan chuyên môn cơ bản thống nhất với dự thảo luật. Nhưng sau đó, khi luật ban hành và đi vào đời sống, phát sinh vướng mắc thì lại đổ lỗi là luật không sát thực tế", đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nêu thực tế.

Cũng theo đại biểu Sương, đối tượng thụ hưởng cơ chế chính sách đặc biệt có nhiều ý kiến quan tâm. Bởi lẽ, việc xác định đối tượng thụ hưởng phải được rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định đầy đủ đối tượng cũng như vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng, nhằm xác định đúng đối tượng được hưởng chính sách… Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt tại địa phương gồm: ĐBQH chuyên trách, Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại địa phương; công chức văn phòng tham mưu, giúp việc trực tiếp ĐBQH, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc trực tiếp cho các Ban của HĐND cấp tỉnh nêu tại mục II, Phụ lục I ban hành kèm theo dự thảo Nghị quyết. Đề nghị xem xét quy định nguyên tắc mức hưởng hỗ trợ tương ứng với khả năng, kinh nghiệm công tác trong hoạt động xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật phù hợp hơn.

Tin, ảnh: PV - CTV

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/doan-dbqh-tinh-gop-y-du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-52726.htm
Zalo