Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau tiếp xúc cử tri công nhân lao động
Ngày 11/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau có buổi tiếp xúc cử tri là công nhân lao động tại trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Cà Mau.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri là công nhân, nhiều cử tri có ý kiến về Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, tập trung vào chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đoàn viên, người lao động mong muốn được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức lãi suất ưu đãi. Chính sách tín dụng tạo việc làm phải đến được với người lao động thực sự có nhu cầu, hỗ trợ đúng người, đúng việc. Cần có quy định nhằm thúc đẩy tất cả mọi người lao động, người sử dụng lao động tham gia đăng ký, cập nhật thông tin, để có cơ sở dữ liệu đầy đủ về lao động, việc làm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về người lao động, việc làm.
Về bảo hiểm thất nghiệp, cử tri cho rằng, đoàn viên, người lao động mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp để người lao động được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp đúng quy định, đảm bảo cuộc sống, phát triển việc làm mới.
Cử tri cũng đề nghị quy định cứng về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động, tránh trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng quy định, đóng mức thấp hơn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Đồng thời, quy định rõ các trường hợp đặc biệt để Chính phủ điều chỉnh mức đóng này. Đối với trường hợp người lao động bị sa thải không tìm việc làm mới do người sử dụng lao động mới coi “sa thải” như một lý lịch không tốt để từ chối nhận người lao động vào làm việc. Đề nghị nghiên cứu, xây dựng quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này.
Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu được nghe hơn 20 ý kiến của cử tri ở 18 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn xoay quanh các vấn đề về Luật Công đoàn (sửa đổi) như: Đề nghị Quốc hội xem xét, tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn, để có thể thu hút đội ngũ cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở; xem xét quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để xảy ra đình công, ngừng việc; xem xét, cho phép người lao động trong khu vực phi chính thức có quyền thành lập và gia nhập công đoàn, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của họ; tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi), đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn.