Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý, thảo luận các dự thảo luật và nghị quyết

Ngày 31/10, tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận về các dự án Luật Bảo hiểm y tế, thảo luận tại tổ đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Góp ý sửa đổi, bổ sung đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Nguyễn Tạo tham gia góp ý thảo luận vế Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư

Đại biểu Nguyễn Tạo tham gia góp ý thảo luận vế Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Tại phiên thảo luận đã có 11 lượt ý kiến đại biểu phát biểu; trong đó, các đại biểu cơ bản đánh giá cao việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Bố cục của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân; trọng điểm phòng không nhân dân; hành vi bị nghiêm cấm; hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân; tổ chức lực lượng phòng không nhân dân; thời hạn phục vụ, độ tuổi huy động lực lượng phòng không nhân dân rộng rãi; nội dung hoạt động phòng không nhân dân…

Luật Phòng không nhân dân được xem xét ban hành nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế đất nước, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Cơ sở thực tiễn là xuất phát từ vai trò quan trọng của phòng không nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến cũng như thời bình, nhất là trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tham gia phát biểu thảo luận về Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Tại khoản 2 Điều 6, dự thảo Luật, đề nghị cần bổ sung quy định rõ khi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xác định là trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh thì các quận, huyện trực thuộc tỉnh, thành phố này có đương nhiên là trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện hay không.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về điều kiện để được xác định trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện chưa thật sự rạch ròi vì cũng đều được xác định là “có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia”, cần giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sau khi Luật có hiệu lực thi hành, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ được xác định là trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh và tương tự cho cấp huyện. Tuy nhiên, trong tất cả các điều khoản còn lại của Luật về nguồn lực đầu tư, xây dựng lực lượng phòng không nhân dân, xây dựng thế trận phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ, huy động lực lượng phòng không nhân dân, diễn tập phòng không nhân dân... không có quy định nào riêng cho các địa phương đã được xác định là trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện.

Như thế, việc được xác định là trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện nhưng trong tất cả các hoạt động thực tế liên quan đến phòng không nhân dân cũng không được thể hiện tính chất quan trọng đặc biệt của địa bàn trọng điểm này. Do đó, cần có chiến lược đầu tư địa bàn được xác định trọng điểm.

Về hành vi bị nghiêm cấm, tại khoản 9 Điều 7, dự thảo Luật quy định: “Sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay để mang thiết bị, vũ khí, vật liệu nổ, chất cấm trái pháp luật”, đề nghị bổ sung vào hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay để mang thiết bị, vũ khí, vật liệu nổ, hàng cấm trái pháp luật…

Tham gia thảo luận tổ về Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ quan điểm thống nhất cao 10 điều của dự thảo Nghị quyết. khi bỏ HĐND cấp quận, cấp huyện, cấp xã thì tăng lực lượng đại biểu HĐND chuyên trách cấp thành phố để tăng cường tiếng nói, quyền giám sát theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị cần sắp xếp khoa học hơn, bài bản hơn, khắc phục tồn tại của Nghị quyết đặc thù Đà Nẵng, tăng đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ Nhân dân.

Đối với Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên hiện trạng tỉnh Thừa Thiên Huế là một bước quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của tỉnh trên cơ sở ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo không gian và động lực phát triển mới không chỉ đối với thành phố Huế mà còn cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Dự kiến thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh thành phố Huế hiện hữu, 3 huyện và 2 phường, 18 xã, 1 thị trấn thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ là bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đã được UNESCO ghi nhận; cùng với thành phố Đà Nẵng, là động lực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và cả nước.

Đại biểu cho rằng với thương hiệu “thành phố trực thuộc Trung ương” sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển sôi động, kích thích nguồn cung chất lượng và nguồn vốn lớn từ người dân khu vực, các địa phương lân cận, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức làm việc hiệu quả hơn.

Bên cạnh mặt tích cực thì đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần có giải pháp để giải quyết các tác động tiêu cực phát sinh khi chuyển thành đô thị trực thuộc trung ương, cụ thể là tâm tư, nguyện vọng của người dân bao đời gắn liền với gia đình, dòng tộc; khó khăn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính khi phải kê khai thay đổi địa chỉ, thay đổi gấy tờ cá nhân, đồng bộ dữ liệu cá nhân theo Đề án 06; chính quyền địa phương phải chuyển đổi từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị ít nhiều cũng khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, xáo trộng đến đời sống nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển tham gia góp ý thảo luận về Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển tham gia góp ý thảo luận về Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng

Thảo luận về Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu: Các nghị quyết đặc thù, khi bàn về cơ cấu HĐND bao giờ cũng đề cập Chủ tịch HĐND, trưởng ban không nhất thiết phải chuyên trách, còn đại biểu chuyên trách là phó chủ tịch HĐND, phó trưởng ban, điều này sai vì đây là thiết chế đại diện cho nhân dân, nếu quy định không chuyên trách sẽ không tương xứng với vai trò của HĐND. Trong Nghị quyết này, thiết chế HĐND là quan trọng nên cách thức chuyên trách phải mạnh mẽ hơn.

Khái niệm chuyên trách lâu nay chưa có quy định, nếu phản ánh đúng thiết chế nên quy định chủ tịch HĐND không kiêm nhiệm chức danh khác trong bộ máy nhà nước của địa phương sẽ mạnh mẽ, linh hoạt, chính xác hơn.

Trước đó, ngày 30/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư, Luật Phòng không nhân dân; Tham gia góp ý, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng cho rằng: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, trước đây, tài trợ quy hoạch bằng nhóm sản phẩm, sau này Bộ Xây dựng có hướng dẫn tài trợ bằng tiền , tại khoản 2 Điều 1 dự thảo luật quy định "các nguồn vốn hợp pháp khác", nên đề nghị hướng dẫn cụ thể. Tại khoản 15 bổ sung Điều 54a vào sau Điều 54, tán thành cao việc quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải ngân vốn đầu tư công

Tại Điều 4 về sửa đổi bổ sung một số điêu của Luật Đấu thầu, đề nghị đối với các tỉnh khó khăn, thu ngân sách thấp thì quy định tùy tình hình cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội quyết định tỷ lệ 80-20, 70-30..., việc chia sẻ rủi ro đối với đầu tư PPP sẽ thu hút.

Liên quan Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Nguyễn Tạo góp ý: Công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt được kết quả to lớn, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Tuy nhiên, trong các vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như số lượng, giá trị tài sản, vật chứng thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa rất lớn, thời gian tố tụng kéo dài nhiều năm; việc lưu giữ, bảo quản vật chứng, tài sản gây tốn kém rất lớn; khó khăn về kho, bãi lưu giữ, bảo quản vật chứng… tài sản kê biên, thu giữ có giá trị lớn không được khai thác, sử dụng vừa gây thiệt hại cho chủ sở hữu, vừa dẫn tới hư hỏng, mất giá trị, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan.

Rất đồng tình với nghị quyết về cho phép người bị buộc tội nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa khi có đủ điều kiện, từ đó đưa vật chứng, tài sản vào lưu thông trên thị trường, tiếp tục được khai thác, khơi thông nguồn lực, tránh gây gánh nặng cho các địa phương trong việc tạm giữ, quản lý…

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202411/doan-dbqh-lam-dong-tham-gia-gop-y-thao-luan-cac-du-thao-luat-va-nghi-quyet-b61307f/
Zalo