Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Ban Chấp hànhLiên minh Nghị viện Pháp ngữ
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), thành viên Ban Chấp hành - phụ trách khu vực châu Á - Thái bình Dương APF làm Trưởng đoàn vừa tham dự Hội nghị Ban Chấp hành APF và các hoạt động bên lề tại Papeete, Polynésie thuộc Pháp.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch APF Francis Drouin - Nghị sĩ Canada, Hội nghị có sự tham dự của hơn 30 nghị sĩ thành viên Ban Chấp hành APF đến từ 5 châu lục, đại diện một số tổ chức quốc tế.
Các đại biểu đã xem xét thông qua khung định hướng đối với Chiến lược hoạt động của tổ chức giai đoạn 2023-2027 dựa trên ba trụ cột: sử dụng và lan tỏa ngôn ngữ tiếng Pháp; thúc đẩy dân chủ, nhà nước pháp quyền, quyền con người và hòa bình; Cộng đồng Pháp ngữ hướng tới tương lai. APF mong muốn tăng cường các hoạt động hướng tới giới trẻ, trong đó có việc lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn nghị viện dành cho thanh niên tại khu vực châu Phi năm 2023.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật khung về biến đổi khí hậu, nhằm cung cấp những yếu tố cần thiết cho nghị viện các nước thành viên để nội luật hóa nội dung này.
Một trong những nội dung quan trọng của các kỳ họp Ban Chấp hành là xem xét tình hình khủng hoảng chính trị một số Phân ban thành viên như: Haiti, Cote d’Ivoire, Trung Phi, CHDC Công-gô.... Trên cơ sở đánh giá của đoàn công tác liên nghị viện APF tại Campuchia đầu tháng 12.2022, Ban Chấp hành quyết định đưa Campuchia ra khỏi danh sách các Phân ban báo động về tình hình dân chủ nghị viện. Theo đề nghị của khu vực châu Mỹ, Ban Chấp hành đã thông qua Tuyên bố chung về tình hình chính trị tại Haiti trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc hiện nay, không còn đại biểu dân cử trong chính quyền cùng với tình hình kinh tế suy kiệt trầm trọng, nạn đóivà bạo lực, khẳng định APF sẵn sàng đồng hành cùng nghị viện Haiti và tạo những điều kiện cần thiết để tái lập lại các thiết chế chính trị.
Các đại biểu cũng đã chất vấn Tổng giám đốc điều hành Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Georges Montpetit và Chủ tịch Hiệp hội Tổng thư ký nghị viện Pháp ngữ; xem xét khả năng Ukraine gia nhập APF, thông qua việc chuyển đổi tư cách thành viên từ quan sát viên thành thành viên liên kết của Phân ban Georgie. Hội nghị cũng xem xét Báo cáo hoạt động của Tổng Thư ký nghị viện,của các Ủy ban; các Mạng lưới và các Vùng; thông qua Báo cáo Ngân sách năm 2022 và dự kiến ngân sách năm 2023; Khung hoạt động năm 2023 và các chương trình hợp tác liên nghị viện.
Với tư cách Phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Phân ban VIệt Nam trong APF Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo hoạt động của khu vực từ tháng 7.2022 tới thời điểm hiện tại, nhấn mạnh các kết quả quan trọng của Hội nghị lần thứ 10 khu vưc châu Á - Thái Bình dương cuối tháng 11 vừa qua tại Đà Nẵng, trong đó có việc thông qua Quy chế hoạt động mới thể hiện sự tích cực của khu vực trong tham gia các hoạt động của APF và sự hợp tác, đoàn kết hướng tới sự phát triển của mỗi quốc gia; kết quả thảo luận bàn tròn về các nội dung “Tính cấp thiết của sự hợp tác quốc tế có trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực biến đổi khí hậu” và “Vai trò của nghị viện trong kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội”.Báo cáo của khu vực được Chủ tịch và các thành viên APF đánh giá cao, Hội nghị Đà Nẵng cùng Hội nghị Ban Chấp hành Papeete lần này đều được tổ chức tại khu vực khẳng định vai trò quan trọng của khu vực trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Phân ban chủ nhà Polynésie thuộc Pháp cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thực địa chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững gồm thăm khu bảo tồn đa dạng sinh vật biển và bảo vệ vùng khai thác hải sản; các dự án lọc nước biển thành nước ngọt; việc triển khai du lịch sinh thái. Xu ly chat thai... tại các đảo thuộc quần đảo Tahiti, Polynésie thuộc Pháp.
Liên minh Nghị viện Pháp ngữ là tổ chức liên nghị viện quy tụ nghị viện/cơ quan lập pháp các quốc gia và các vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp, hiện gồm 91 thành viên. Được thành lập năm 1967 với mục tiêu đại diện ý chí và nguyện vọng của các dân tộc trong Cộng đồng Pháp ngữ bên cạnh các thể chế hành pháp của Cộng động, APF là cơ quan nghị viện tham vấn, hướng tới thúc đẩy nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền, đoàn kết, thúc đẩy đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, hợp tác vì sự phát triển bền vững và bao trùm. Từ khi là thành viên chính thức của APF năm 1991, Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm và có những đóng góp quan trọng đối với hoạt động của tổ chức, đồng thời thông qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại Cộng đồng Pháp ngữ.