Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tích cực đóng góp vào thành công Kỳ họp thứ 8

Sau 29,5 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình.

Sau 29,5 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tham gia thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Ngô Hường (Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tham gia thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Ngô Hường (Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

P.V: Thưa đồng chí, Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV diễn ra với khối lượng công việc lớn cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng. Xin đồng chí chia sẻ những kết quả nổi bật của Kỳ họp này?

Đồng chí Đặng Bích Ngọc: Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV đã thành công tốt đẹp ngay sau thành công của Hội nghị lần thứ 10, BCH T.Ư Đảng khóa XIII. Đây là kỳ họp cuối năm với số lượng lớn công việc, đặc biệt là công tác lập pháp.

Công tác lập pháp chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp. Đáng chú ý, có rất nhiều quyết sách quan trọng đã được QH thông qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sự mong đợi của cử tri và Nhân dân. Có nhiều dự án luật được thông qua theo quy trình một kỳ họp, một luật sửa nhiều luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

QH đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật. Bên cạnh đó, QH đã dành thời gian xem xét, thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước, giám sát và một số nội dung quan trọng khác.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi với 3 nhóm vấn đề được lựa chọn gồm: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và Truyền thông. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận, còn 80 đại biểu đăng ký chưa được chất vấn. Qua đó cho thấy, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, "đúng”, "trúng” những vấn đề "nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống, đều là những nội dung vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Công tác kiện toàn nhân sự cấp cao được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quy trình. Tại Kỳ họp, QH đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ GTVT, bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng QH.

P.V: Xin đồng chí cho biết những hoạt động chính của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tại Kỳ họp, đóng góp vào sự thành công của Kỳ họp?

Đồng chí Đặng Bích Ngọc: Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần vào thành công chung của Kỳ họp. Các ĐBQH trong Đoàn tham gia đầy đủ, nghiêm túc chương trình nghị sự của QH với tinh thần trách nhiệm cao; dành thời gian nghiên cứu tài liệu, chủ động tham gia phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc, đa chiều với 12 lượt phát biểu tại tổ, 7 lượt phát biểu tại hội trường. Các ý kiến được nghiên cứu, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng, chất lượng, bám sát những vấn đề QH đặt ra theo tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp.

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri và thực tiễn tại địa phương, Đoàn đã đề xuất một số nội dung như: Luật hóa các quy định về chế độ hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người dân sinh sống tại các xã vùng đặc thù, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã thuộc vùng điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các xã này không còn thuộc vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; đề xuất có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển KT-XH; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương tổ chức thực hiện với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”…

Bên cạnh đó, Đoàn cũng tham gia tích cực, trách nhiệm vào hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp, trong đó đã đề nghị rà soát kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là các điểm nghẽn thể chế đối với các dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thị trường bất động sản và nhà ở. Đồng thời, đề nghị các địa phương đưa chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hằng năm phù hợp với định hướng phát triển của đất nước… Nhiều ý kiến của ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã được các cơ quan xem xét, tiếp thu, được các ĐBQH, cử tri và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐBQH trong Đoàn cũng tích cực tham gia; trong đó đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giải pháp trong hoạt động tín dụng của ngân hàng gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh khi Việt Nam đang là quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai.

P.V: Ngay sau Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh có kế hoạch, hoạt động gì nhằm triển khai thực hiện các nội dung chương trình, các nghị quyết đã thông qua tại Kỳ họp đến với người dân trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Đặng Bích Ngọc: Sau khi kết thúc Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổ chức tiếp xúc cử tri, thông tin báo cáo kết quả Kỳ họp, tuyên truyền nội dung các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp đến cử tri và Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Tiếp tục đôn đốc, tổng hợp kết quả trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới QH, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư.

Các ĐBQH tiếp tục thực hiện tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại xử lý và chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; đồng thời, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động tiến hành hoạt động khảo sát, nắm bắt tình hình thi hành chính sách, pháp luật tại các lĩnh vực liên quan đến dự án luật dự kiến trình QH tại Kỳ họp thứ 9; xây dựng kế hoạch giám sát năm 2025, tập trung thực hiện giám sát những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán 2025.

Với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động triển khai có hiệu quả các nội dung trên góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển KT-XH của đất nước, địa phương.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Hương Lan (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/196110/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tich-cuc-dong-gop-vao-thanh-cong-ky-hop-thu-8.htm
Zalo