Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận ở tổ về dự thảo các Luật, nghị quyết

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5, tại tổ thảo luận số 14 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo: Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Tại đây, ý kiến của 6 đại biểu bày tỏ tán thành việc xây dựng và sửa đổi các Luật, nghị quyết với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn được nêu trong các tờ trình. Việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các Luật sẽ góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên, góp phần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để nước ta triển khai tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên thực tế, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành.

 Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại tổ.

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân nhằm kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, hoàn thiện khung pháp luật thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế theo đúng chủ trương Nghị quyết 68-NQ/TW.

Góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhiều đại biểu trong tổ thảo luận đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nội dung nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị để bổ sung hoàn thiện quy định tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.

Về đối tượng được áp dụng, cơ chế, chính sách đặc biệt (Điều 4) dự thảo Nghị quyết có đề cập đến đối tượng là các tổ chức, đơn vị và các cá nhân. Tuy nhiên, Điều 4 của dự thảo Nghị quyết mới chỉ đề cập đến đối tượng là cá nhân thụ hưởng cơ chế, chính sách. Do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung và làm rõ hơn về đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt và bổ sung đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt nêu ở Mục II Phụ lục I là: “Cán bộ, công chức tham mưu tổng hợp trực tiếp cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho các Ban HĐND cấp tỉnh”. Thực tế hiện nay, các Ban của HĐND đều nghiên cứu, thẩm tra trình HĐND chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, cơ chế đặc thù, các nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó đa phần là lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa xã hội. Bên cạnh đó các cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng thường xuyên phải nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các dự thảo Luật, Nghị quyết trình Quốc hội, các Nghị quyết quan trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đối tượng này vào Mục b.II, Phụ lục I.

Nêu ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang bày tỏ tán thành với phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cũng như việc Chính phủ đề xuất 5 nhóm cơ chế, chính sách để đáp ứng yêu cầu cấp bách về việc thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn với nội dung quy định tại khoản 7 Điều 4 về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra quy định miễn kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật. Theo đại biểu việc đánh giá như thế nào để biết được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật để cơ quan chức năng miễn thanh tra, kiểm tra.

Góp ý vào Điều 5, nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, đại biểu Trần Văn Tuấn cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ khoản 4 và khoản 6 quy định không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và quy định bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Theo đại biểu việc quy định như dự thảo Nghị quyết là không cần thiết.

Tiến Hòa

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-bac-giang-thao-luan-o-to-ve-du-thao-cac-luat-nghi-quyet-postid418145.bbg
Zalo