Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang thảo luận nhiều dự án luật tại tổ

Sáng 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương phát biểu gợi ý thảo luận tổ

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương phát biểu gợi ý thảo luận tổ

Thảo luận tại tổ 17, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho rằng, Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là dự án luật rất quan trọng. Thời gian dài, hàng loạt vụ án lớn xảy ra về lãng phí, lạm dụng, lợi dụng, gây thất thoát tại doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước. Băn khoăn khi chưa thấy sự quản lý của Nhà nước bằng văn bản quy phạm hay luật đối với nguồn vốn, dòng tiền của mình đang được đầu tư trong doanh nghiệp giữ dưới 50% cổ phần. Trong khi dự thảo luật xoay quanh vấn đề quản lý nguồn vốn Nhà nước đối với những nơi chi phối toàn bộ vốn hoặc từ 50% trở lên. Thiếu sót này cần phải được nghiên cứu xem xét, bổ sung. Đồng thời, đề xuất bổ sung danh mục một số ngành nghề ưu tiên đầu tư vốn, tránh mất cân đối.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong phát biểu ý kiến

Đại biểu Đôn Tuấn Phong phát biểu ý kiến

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cũng quan tâm đến dự án luật này. Chính phủ, cơ quan soạn thảo dành nhiều công sức biên soạn dự án, toàn diện, nhiều nội dung. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục đầu tư, hoàn thiện quy định, điển hình như trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Dự án luật phân tách rõ trách nhiệm đại diện Nhà nước tại doanh nghiệp, quyền quyết định đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; “tách bạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn”. Một số quy định còn chồng chéo, cần sự quản lý của nhiều bộ, ngành, cơ quan quản lý, chưa đáp ứng yêu cầu linh hoạt, thay đổi của tình hình thực tế. Do đó, cần xem xét, điều chỉnh quy định cho phù hợp hơn.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) khẳng định, chuyển đổi số đang rất phát triển, vì vậy cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số, một luật chuyên ngành rất sâu. Cần chỉnh sửa lại phần giải thích từ ngữ, khái niệm cho phù hợp, đặc biệt là khái niệm “công nghệ số” và “công nghiệp công nghệ số”, vì các quy định đều bám sát vào những nội dung này. Ở Điều 5 (chính sách phát triển công nghệ số), cần cụ thể hóa, bổ sung Chiến lược chuyển đổi số quốc gia 2020 - 2030 đã được Chính phủ ban hành, chưa được đưa vào dự án luật. Trong đó, có các chính sách quan trọng về sản xuất công nghệ số “Made in Việt Nam”; chính sách dành cho nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm; chính sách đặc thù, vượt trội, ưu tiên phát triển công nghệ số ở một số lĩnh vực đặc biệt (AI, công nghệ lõi…).

Đại biểu Trình Lam Sinh phát biểu thảo luận chiều 22/11

Đại biểu Trình Lam Sinh phát biểu thảo luận chiều 22/11

Trước đó, chiều 22/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đóng góp nhiều nội dung. Cụ thể, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, ban hành luật mới (hoặc sửa đổi bổ sung vào 1 luật), đầy đủ thông tin, quy định để Quốc hội, HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát của mình.

Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, ĐBQH, HĐND ở địa phương còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo trình tự, thủ tục quy định. ĐBQH chuyên trách ở địa phương chỉ 1 người, còn ĐBQH kiêm nhiệm ít tham gia giám sát do bị chi phối công việc chuyên môn. Các đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, quy định lại trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành một chuyên đề giám sát do Đoàn ĐBQH, HĐND địa phương thực hiện, hoạt động giám sát của ĐBQH, đại biểu HĐND…

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-an-giang-thao-luan-nhieu-du-an-luat-tai-to-a410060.html
Zalo