Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc tại tỉnh Hậu Giang
Ngày 13/9, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang về triển khai thực hiện Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước; những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã giải đáp, hướng dẫn cụ thể giúp tỉnh Hậu Giang tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường khi triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024.
Một số nội dung mà tỉnh Hậu Giang đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan, như: Kế hoạch sử dụng đất năm 5 cấp tỉnh; thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất; giao đất thành nhiều đợt trong cùng một dự án; chính sách tái định cư, bồi thường đất ở bằng đất ở tái định cư; về công tác cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất; về xử lý một số bất cập, vướng mắc về điều khoản chuyển tiếp... và một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến của tỉnh để trong quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu, hướng dẫn, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn để bổ sung những nội dung cần hoàn thiện hơn. Đồng thời, tiếp tục góp ý cho các văn bản, thông tư để hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với tỉnh Hậu Giang, đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, tài nguyên nước. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước cho cán bộ các Phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ địa chính, văn phòng đăng ký đất đai, trung tâm phát triển quỹ đất để có sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Cùng với đó, tỉnh cần tập trung nguồn lực hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước thuộc thẩm quyền. Quá trình xây dựng văn bản cần đúng trình tự, thủ tục; quy định theo hướng mở theo từng địa phương, khu vực để quá trình áp dụng thuận lợi, tránh việc phải chỉnh sửa nhiều lần. Các nội dung này phải được xem xét đồng bộ, toàn diện, có đánh giá tác động kỹ lưỡng để có lộ trình xây dựng bảo đảm đồng thuận xã hội.
Hậu Giang cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông. Quan tâm kiện toàn bộ máy văn phòng đăng ký đất đai, trung tâm phát triển quỹ đất để đủ năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Song song đó, tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, sớm phát hiện, uốn nắn, có giải pháp xử lý kịp thời các sai phạm.