Trong hai ngày 10-11/9, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đến làm việc với các nhà in, nhà xuất bản, đơn vị phát hành ở TP.HCM và Đường sách TP.HCM để khảo sát thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo số 19-TB/TW của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Chiều 10/9, đoàn công tác gồm Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quang Dũng... đến tham quan, làm việc tại đơn vị in ấn là công ty TNHH MTV Lê Quang Lộc. Tiếp theo, đoàn công tác đến tham quan, làm việc tại Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa).
Tại nhà sách Fahasa 42 Nguyễn Huệ (quận 1), đơn vị này áp dụng công cụ tìm kiếm bằng công nghệ, khách hàng chỉ cần nhập tên cuốn sách thì sẽ ra vị trí chính xác ở quầy nào.
Các công ty phát hành sách lớn như Fahasa, Phương Nam, Thời Đại, Tiki, Vinabook... tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hoạt động phát hành của thành phố.
Hiện nay, TP.HCM có 2 nhà xuất bản do thành phố quản lý (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ); 4 Nhà xuất bản thuộc các trường đại học TP.HCM (Các Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM).
Tại cuộc làm việc với Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM, còn có sự tham dự của ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (giữa).
Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM, chia sẻ về mô hình hoạt động, những thách thức và thuận lợi sau gần 50 năm thành lập.
Trong những năm qua, TP.HCM đã có nhiều chương trình, hoạt động để phát triển văn hóa đọc và xây dựng thành một trong những thị trường xuất bản phẩm, địa điểm giao lưu văn hóa đọc sôi động nhất cả nước.
Duy Hiệu - Tâm Anh