Đô thị hướng biển
Không chỉ tự hào vốn quý từ đô thị di sản, Huế còn có 'kho báu' không gian ven biển trải dài 120km để đột phá trở thành trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở khu vực miền Trung.
Hiện thực hóa giấc mơ phố biển
Gặp nhau ngày đầu xuân, ông Huỳnh Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An (quận Thuận Hóa) phấn khởi khoe: “Bây giờ quê mình mới thực sự là phố”.
Thật ra, Thuận An đã lên phố từ hơn 4 năm trước, khi TP. Huế lúc bấy giờ mở rộng gần gấp 4 lần so hiện trạng cũ. Thời điểm đó, từ thị trấn Thuận An từng thuộc địa bàn huyện Phú Vang đến xã Hải Dương (TX. Hương Trà) háo hức “dọn dẹp”, quy hoạch và nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường “đón sóng” đô thị mới; đồng thời kết nối những đại lộ từ trung tâm TP. Huế về hướng biển, như Phú Mỹ - Thuận An, Chợ Mai - Tân Mỹ, tây phá Tam Giang... Cũng thời điểm này, DA đường ven biển và cầu Thuận An vượt cửa biển dài gần 2,4km được triển khai và hiện đang bước vào giai đoạn hoàn thiện để kết nối, tạo hành lang liên vùng phía đông và cửa ngõ phía nam qua QL1A. Những đường lớn mở ra, phía đông giáp biển tạo thêm nhiều quỹ đất lợi thế; kết nối với các đô thị mới An Vân Dương, Đông Nam Thủy An, Mỹ Thượng… sẽ là những địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến khai thác dịch vụ du lịch biển, hậu cần cảng biển, thủy, hải sản…
Các nghị quyết, định hướng phát triển KT-XH ngắn hay dài hạn gần đây của thành phố Huế đều cho thấy, chính quyền sở tại đã có tính toán cho một quy hoạch bài bản để phát triển đô thị Huế về phía biển nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ không gian biển. Một “giấc mơ phố biển” mà theo ông Thông được người dân Thuận An ấp ủ bấy lâu giờ đã thành hiện thực.
Hơn 15 năm trước, tỉnh đã có những định hướng phát triển đô thị Huế về phía biển, nhất là khi Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô hình thành trên diện tích 28 nghìn ha, nằm trên địa bàn Phú Lộc. Khu kinh tế này bao gồm khu đô thị du lịch, khu công nghiệp, khu thuế quan và khu cảng Chân Mây - cửa ngõ hướng ra Biển Đông, thuận tiện đón tàu thủy trọng tải hơn 70 nghìn tấn. Đến thời điểm này, hạ tầng giao thông tại KKT Chân Mây - Lăng Cô đã đồng bộ, kết nối thông suốt… Riêng cảng Chân Mây nay đã khai thác 3 bến và đang đầu tư xây mới bến số 4 và 5; đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm bến số 6, 7 và 8. Không chỉ vậy, nơi đây đang triển khai các dự án logistics với hạ tầng kho bãi có quy mô lớn, hướng đến hình thành một trung tâm logistics lớn ở miền Trung. Hiện, KKT Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút 56 dự án, với nguồn vốn đầu tư 83.671 tỷ đồng và khoảng 10.000 lao động…
Cần thêm đột phá mới
Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế (*) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây của Thủ tướng Chính phủ xác định, vùng đông gồm các thành phố, huyện, thị đồng bằng ven biển của tỉnh là vùng động lực, đột phá của các ngành kinh tế chủ đạo: Kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch… Trong ba hành lang phát triển của tỉnh, hành lang ven biển tiếp giáp đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là không gian then chốt, có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế. Ở những không gian này, công tác quy hoạch phát triển đô thị được chú trọng; trong đó ở khu vực trung tâm là đô thị Huế; phía bắc Phong Điền và phía nam là Phú Lộc, gắn với các đô thị vệ tinh ở Quảng Điền, Phú Vang… sẽ hình thành chuỗi đô thị du lịch biển, đô thị công nghiệp, công nghệ cao, gắn với cảng biển và Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, hành lang phía tây, tạo động lực để Huế phát triển nhanh, bền vững.
TS. Đặng Minh Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh nhìn nhận, thực trạng phát triển không gian ven biển Thừa Thiên Huế (*) vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, không gian đô thị ven biển có tốc độ đô thị hóa và quy mô phát triển chậm. Trong các đô thị hiện hữu, 2 đô thị loại V là Lăng Cô (Phú Lộc) và Vinh Thanh (Phú Vang) chưa rõ hình hài, dáng dấp của đô thị biển…
Theo TS. Nam, sau các quy hoạch lớn của quốc gia, của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, cơ hội phát triển của những đô thị hướng về biển, ven biển ở địa phương đang rộng mở. Song, trên cơ sở quy hoạch chung cần chú trọng đến thế mạnh riêng, đặc trưng văn hóa từng vùng. Với các khu vực phát triển đô thị mới ven biển ở Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… cần đảm bảo quỹ đất dành cho các không gian cộng đồng, bãi tắm, quảng trường… Tại các khu vực lâu nay đã mang dáng dấp đô thị biển, như Thuận An (Thuận Hóa); Chân Mây - Lăng Cô (Phú Lộc); Vinh Thanh (Phú Vang)… cần thêm đột phá mới tạo các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái; trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển mang tầm khu vực, quốc tế…
Tại hội thảo lấy ý kiến cho quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế (*) đến năm 2030 và định hướng đến năm 2065 diễn ra tháng 4/2024, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, để phát triển bền vững không gian hướng biển, trong quá trình quy hoạch, thực thi quy hoạch cần nắm rõ cứ liệu đầy đủ, chuẩn xác về không gian, đặc trưng vùng. Trong đó, yêu cầu quy hoạch phải đi trước, thể hiện tính bản địa của mỗi vùng, hài hòa với cơ sở hạ tầng công - tư mang tính chất đô thị “bọt biển” mà nhiều quốc gia phát triển đang ứng dụng thành công với tầm nhìn hàng trăm năm. Đó là đô thị có giải pháp chống chịu với thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả những yếu tố đó cần phải dựa trên nguyên lý “thuận thiên”.
Nguyên lý “thuận thiên” như KTS. Trần Ngọc Chính chia sẻ và tham vấn sẽ giúp hình thành các đô thị biển dễ dàng kết nối thành chuỗi trong một chỉnh thể không gian kết nối trong khu vực miền Trung. Một khi những đô thị ven biển được hình thành thì cơ hội làm giàu cho Huế không khó và sẽ tạo được thương hiệu lớn trên bản đồ du lịch biển và vận tải biển thế giới.