Đỗ ô tô theo nhà hàng hướng dẫn, bị phạt nguội chủ xe có phải chịu trách nhiệm?
Xe chuẩn bị đến hạn đăng kiểm, anh Ch. vào tra phạt nguội, bất ngờ phát hiện xe nhà nằm trong danh sách. Người đàn ông ngậm ngùi đi nộp phạt do lỗi 'đỗ xe dưới lòng đường' vì tin chỉ dẫn của nhân viên quán ăn.
Anh Nguyễn Văn Ch. kể lại, hơn tháng trước, anh đưa vợ con đi ăn hàng, uống cà phê bằng ô tô trên phố nội thành Hà Nội. Đến nơi, được nhân viên quán hướng dẫn chỗ đỗ xe. Anh yên tâm cùng cả gia đình thưởng thức bữa tối.
Tuần trước, khi xe chuẩn bị đến hạn đăng kiểm, anh Ch. cẩn thận vào tra phạt nguội, bất ngờ phát hiện xe của gia đình nằm trong danh sách. Người đàn ông ngậm ngùi đi nộp phạt do lỗi “đỗ xe dưới lòng đường”.
Anh băn khoăn không biết trong tình huống này, nhân viên hay nhà hàng có phải chịu trách nhiệm với việc hướng dẫn khách hàng đỗ sai vị trí hay không? Làm thế nào để không bị dính lỗi đỗ xe dưới lòng đường khi đi nhà hàng giống anh?

Nhiều chủ xe băn khoăn đỗ xe như thế nào để không dính phạt nguội. Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp
Trả lời băn khoăn của anh Ch., Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, người điều khiển phương tiện giao thông đỗ xe không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức có thể là phạt nguội. Nếu người vi phạm có căn cứ chứng minh là việc đỗ xe do người khác chỉ dẫn, yêu cầu, bản thân người này vẫn phải nộp phạt. Và về lý thuyết có thể buộc họ liên đới chịu trách nhiệm.
Theo đó, Điều 18, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định về chấp hành quy định việc dừng xe, đỗ xe như sau:
Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của xe trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên xe, xuống xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe hoặc hoạt động khác.
Khi dừng xe không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái, trừ trường hợp rời khỏi vị trí lái để đóng, mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe nhưng phải sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác.
Đỗ xe là trạng thái đứng yên của xe không giới hạn thời gian. Khi đỗ xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ được rời khỏi xe khi đã sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác. Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải đánh lái về phía lề đường, chèn bánh.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định: Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe; Không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
“Trên đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy. Trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường, chỉ được dừng xe, đỗ xe sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: Hải Minh
Trên đường phố, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ được dừng xe, đỗ xe sát theo lề đường, vỉa hè phía bên phải theo chiều đi của mình. Bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, vỉa hè quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải đỗ xe, khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp hoặc đặt biển cảnh báo về phía sau xe để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.
'Nhà hàng không chịu trách nhiệm trực tiếp việc đỗ xe vi phạm luật'
Trở lại với trường hợp của anh Ch. luật sư cho rằng, người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông đường bộ dừng đỗ xe do người khác chỉ dẫn, hướng dẫn, người này vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn người chỉ dẫn, hướng dẫn có thể có lỗi và giữa hai bên có thể giải quyết bằng thủ tục dân sự sau đó. Nhưng thực tế việc bắt lỗi người khác đã chỉ chỗ đỗ cho mình là rất khó.
“Về nguyên tắc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhân viên bảo vệ có thể hướng dẫn khách hàng đỗ xe ở vị trí này, vị trí khác nhưng họ sẽ không chịu trách nhiệm trực tiếp nếu như việc đỗ xe đó là vi phạm.
Bởi vậy người điều khiển phương tiện luôn phải chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Khi bị xử lý, không thể vì lý do là do người này người kia chỉ dẫn. Nếu họ chỉ dẫn sai, về pháp lý có thể yêu cầu họ bồi thường thiệt hại bằng một vụ kiện khác nếu có căn cứ. Còn việc dừng đỗ xe không đúng, vi phạm Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.