Đo 'nhiệt độ' tương lai của bán đảo liên Triều

'Thời tiết' chính trị Hàn Quốc định hình đáng kể quỹ đạo của quan hệ liên Triều, dẫn đến những động lực khác nhau tùy thuộc vào việc chính quyền nào nắm quyền ở Hàn Quốc. Trong lịch sử, cả chính quyền bảo thủ lẫn chính quyền tiến bộ đều theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhưng các cách tiếp cận khác nhau - từ gây sức ép đến can dự - đã tạo ra những kết quả khác biệt.

Chính sách cứng rắn

Chính sách cứng rắn đã quay trở lại khi chính quyền ông Yoon Suk Yeol nhậm chức vào năm 2022. Giống như các tổng thống theo trường phái bảo thủ khác, ông Yoon Suk Yeol đã từ bỏ chính sách can dự của nhà lãnh đạo tiền nhiệm tiến bộ Moon Jae In, đồng thời nhấn mạnh sự can dự có điều kiện của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên dựa trên cam kết phi hạt nhân hóa của nước này.

Cổng thống nhất, công trình tôn vinh tầm nhìn thống nhất đất nước của người sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Il-Sung.

Cổng thống nhất, công trình tôn vinh tầm nhìn thống nhất đất nước của người sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Il-Sung.

Theo “Sáng kiến táo bạo”, ông Yoon Suk Yeol cam kết hỗ trợ kinh tế và phát triển rộng rãi cho Triều Tiên - từ sản xuất điện và cơ sở hạ tầng y tế đến công nghệ nông nghiệp và đầu tư quốc tế - để đổi lấy các bước đi thực sự có ý nghĩa của Bình Nhưỡng hướng tới phi hạt nhân hóa. Đồng thời, năng lực hạt nhân và tên lửa ngày càng tiến bộ của CHDCND Triều Tiên đã khiến chính quyền ông Yoon Suk Yeol phải nhấn mạnh quốc phòng và khả năng răn đe theo nguyên tắc “hòa bình thông qua sức mạnh”.

Ông Yoon Suk Yeol cam kết sẽ có phản ứng mạnh mẽ và quyết đoán trước các hành động khiêu khích quân sự và những lời đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), đồng thời kêu gọi Hàn Quốc phát triển năng lực tấn công phủ đầu để răn đe và bảo vệ Hàn Quốc trước các cuộc tấn công hạt nhân.

Mặc dù coi khôi phục liên minh Mỹ - Hàn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình, ông Yoon Suk Yeol cũng coi tập trung vào việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Mỹ Biden về vấn đề Bán đảo Triều Tiên và tăng cường khả năng răn đe mở rộng của Mỹ cho Hàn Quốc. Chiến lược này đã góp phần củng cố thế trạn phòng thủ và răn đe kết hợp của liên minh, cũng như nối lại các cuộc tập trận chung với Mỹ. Bên cạnh đó, chính quyền ông Yoon Suk Yeol nhấn mạnh rằng viện trợ nhân đạo cho CHDCND Triều Tiên sẽ được xem là một vấn đề riêng biệt, tách biệt với các mối quan ngại về an ninh và chính trị.

Điều khiến chính quyền ông Yoon Suk Yeol khác biệt so với các chính quyền bảo thủ trước đây là quyết định đưa nhân quyền lên vị trí hàng đầu trong chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên, biến các giá trị phổ quát về tự do và nhân quyền thành trọng tâm chính sách thống nhất của mình.

Và vòng luẩn quẩn trở lại

Việc Hàn Quốc quay trở lại với cách tiếp cận dựa trên sức ép đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của CHDCND Triều Tiên, quốc gia đã và đang theo đuổi chương trình hiện đại hóa vũ khí kéo dài 5 năm, như nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã vạch ra trong bài phát biểu hồi tháng 1/2021. Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đã leo thang mạnh mẽ vào năm 2022, sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành thử tên lửa với tần số kỷ lục và đe dọa thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật nếu cảm thấy bị không an toàn.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington hồi tháng 4/2023, Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thống Joe Biden đã công bố Tuyên bố Washington và thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân để lập kế hoạch chung, chia sẻ thông tin và triển khai các tài sản chiến lược của Mỹ nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân. Mối quan ngại chung về những nguy cơ hiện hữu cũng đưa Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn, mà đỉnh điểm là hội nghị thượng đỉnh 3 bên mang tính lịch sử với ông Biden tại Trại David vào tháng 8/2023 để tăng cường phối hợp và khả năng phản ứng chung.

Tháng 11/2023, CHDCND Triều Tiên đã hủy bỏ hoàn toàn Thỏa thuận quân sự toàn diện liên Triều sau khi chính quyền ông Yoon Suk Yeol đình chỉ một phần thỏa thuận này để đáp trả vụ phóng thử vệ tinh của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, sự đổ vỡ thực sự trong quan hệ liên Triều đã xảy ra vào cuối tháng 12/2023, khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên chỉ định Hàn Quốc là kẻ thù chính và từ bỏ chính sách thống nhất lâu đời của nước này.

Sau tuyên bố này, Bình Nhưỡng nhanh chóng khởi xướng việc tách khỏi Hàn Quốc bằng một loạt biện pháp chưa từng có vào tháng 1/2024. Những hành động này bao gồm việc xác định lại ranh giới trên biển Đường giới hạn phía Bắc, xóa bỏ những phần ám chỉ thống nhất khỏi hiến pháp và đình chỉ hoạt động của các tổ chức then chốt chịu trách nhiệm về các vấn đề liên Triều. Đáng chú ý nhất là CHDCND Triều Tiên đã phá hủy Cổng thống nhất, công trình được xây dựng vào năm 2000 để tôn vinh tầm nhìn thống nhất đất nước của ông Kim Il-sung, người sáng lập CHDCND Triều Tiên, và phá dỡ tuyến đường sắt liên Triều Gyeong-ui, di sản của những nỗ lực của ông Kim Jong-il nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.

Le lói

Khi căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên, chính quyền ông Yoon Suk Yeol phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng - cả trong nước và ngoài nước - buộc họ phải tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng. Dư luận tỏ ra ngày càng củng hộ đối thoại và can dự hơn là đối đầu, coi đây là cách để quản lý tình hình. Theo kết quả thăm dò ý kiến gần đây nhất của KBS, sự phản đối của công chúng đối với chính sách của chính quyền ông Yoon Suk Yeol đã tăng từ 55,8% vào năm 2022 lên 57,3% vào năm 2023 và lên 60,1% vào tháng 8/2024.

Tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên ông Yoon Suk Yeol công bố tầm nhìn thống nhất mới của chính phủ và lần đầu tiên kêu gọi đối thoại, cùng với đề xuất thành lập Nhóm công tác liên Triều để hai bên có thể thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau, từ giảm thiểu mối đe dọa đến hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân và văn hóa, cũng như ứng phó với thảm họa.

Ngọc Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/do-nhiet-do-tuong-lai-cua-ban-dao-lien-trieu-i747109/
Zalo