Đo năng lực số của bảo hiểm phi nhân thọ
Mặc dù được coi là chậm chân, nhưng khối phi nhân thọ cũng đang cho thấy sự chú trọng của mình với công nghệ.

Số hóa cũng là một trong những phương tiện cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm
Tăng cường năng lực số không còn là lựa chọn
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đang trở nên ngày càng khốc liệt với sự góp mặt của nhiều công ty trong và ngoài nước. Không chỉ các đối thủ lâu đời, mà cả những tên tuổi mới cũng gia nhập cuộc đua, gây áp lực lớn lên giá cả và chất lượng dịch vụ. Cạnh tranh theo phương thức truyền thống bằng giá phí, và mối quan hệ cũ không hẳn là biện pháp lâu dài.
Mới đây, Bảo hiểm Bảo Minh và Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (Techcom Insurance, TCGI) đã ký kết hợp tác chiến lược, cùng phát triển sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ phù hợp với nhu cầu thị trường, kết nối hệ sinh thái công nghệ và phối hợp truyền thông, tiếp thị qua nhiều kênh phân phối. Thỏa thuận này giúp cả 2 bên tận dụng sức mạnh của nhau và tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả.
Trong một diễn biến khác, sau khi đổi tên từ Bảo hiểm Hàng không (VNI) sang Bảo hiểm DBV, doanh nghiệp này tuyên bố mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm có tốc độ bồi thường nhanh nhất thị trường, đồng thời xây dựng hệ sinh thái bảo hiểm số minh bạch và hiệu quả.
Theo ông Nghiêm Xuân Thái - Tổng giám đốc DBV, chiến lược phát triển doanh nghiệp xoay quanh 4 trụ cột: Hiện đại hóa quản trị theo hướng dữ liệu; tối ưu hóa nguồn nhân lực; tái cấu trúc hệ thống theo hướng tập trung vào khách hàng; tạo sự khác biệt bằng công nghệ.
Sự ra đời của DBV đánh dấu mô hình kết hợp độc đáo giữa 3 nguồn lực chiến lược: Nền tảng thị trường từ VNI, tài chính - công nghệ từ DB Insurance (DBI, công ty mẹ của DBV với tỷ lệ sở hữu 75%) và hệ sinh thái hỗ trợ từ Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH, cũng do DBI nắm giữ 75% vốn). Được biết, sau khi có cổ đông DBI, BSH cũng đã thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm số dẫn đầu thị trường.
Áp lực chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt có lẽ vẫn là nguồn lực đầu tư cho công nghệ.
Vừa qua, Igloo chính thức giới thiệu Igloo Tech Solutions, bộ giải pháp công nghệ bảo hiểm số toàn diện, nhằm chuyển đổi phương thức vận hành của các công ty bảo hiểm và đối tác doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Đây là bước đi thể hiện cam kết bền vững của công ty công nghệ bảo hiểm (Insurtech) có trụ sở tại Singapore này trong việc giúp người dân tiếp cận bảo hiểm dễ dàng hơn.
Tiếp nối thành công trong các lĩnh vực như bảo hiểm nhúng, mạng lưới trung gian và giải pháp tiêu dùng, Igloo Tech Solutions cho phép các công ty bảo hiểm và thương hiệu mở rộng nguồn doanh thu mới, đơn giản hóa quy trình vận hành, tích hợp công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và mở rộng quy mô một cách hiệu quả trong bối cảnh thị trường đang thay đổi nhanh chóng.
Ông Raunak Mehta - đồng sáng lập kiêm CEO Igloo nhận định: “Tại Việt Nam và khu vực, các công ty bảo hiểm đang chịu áp lực lớn trong việc hiện đại hóa vận hành để bắt kịp tốc độ chuyển đổi số. Việc tăng cường năng lực số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc.”
Igloo đang tích cực phát triển các tính năng AI để tăng giá trị cho bộ sản phẩm Tech Solutions. Cụ thể, AI Claims Agent cho phép người dùng yêu cầu bồi thường qua chat trực tuyến, tải tài liệu chỉ trong vài phút. Hệ thống sẽ xử lý và phản hồi tức thì, kèm theo lý do nếu từ chối yêu cầu, giúp người dùng điều chỉnh và tăng hiệu quả vận hành; AI Fraud Detection giúp xác định các dấu hiệu gian lận thông qua chỉ số gửi yêu cầu, tích hợp công nghệ OCR (nhận dạng ký tự quang học) và mô hình LLM (ngôn ngữ lớn) để phân tích ngữ cảnh và phát hiện yêu cầu sai sự thật.
Tại Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ MSIG Việt Nam (công ty con của Công ty TNHH Bảo hiểm Mitsui Sumitomo - MSI, thuộc Tập đoàn Bảo hiểm MS&AD - MS&AD Holdings, Nhật Bản) đã ứng dụng Igloo Agent nhằm nâng cao hiệu quả bán hàng và vận hành qua mạng lưới đại lý. Đồng thời, Igloo đang đàm phán với các đối tác bảo hiểm và thương mại khác để tích hợp Igloo Consumer và Igloo Partner vào chiến lược phân phối và trải nghiệm khách hàng.
Đòn bẩy số và đa kênh
Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam đều nhìn nhận rằng, việc áp dụng công nghệ như AI, dữ liệu lớn (Big Data) và các nền tảng kỹ thuật số mở ra cơ hội cải thiện dịch vụ khách hàng, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và phát triển sản phẩm bảo hiểm số, kênh bán hàng số. Dẫu vậy, việc triển khai và đưa vào ứng dụng đối với mỗi doanh nghiệp lại gặp những vấn đề khác nhau. Trong đó, áp lực chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt có lẽ vẫn là nguồn lực đầu tư cho công nghệ.
Dẫu vậy, theo khảo sát doanh nghiệp của Vietnam Report mới đây, có 53,8% doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng thị trường sẽ đạt mức tăng trưởng 5-10% trong năm 2025, được dẫn dắt bởi sự cộng hưởng của nội lực phục hồi và lực đẩy chính sách. Trong bức tranh đó, công nghệ nổi lên như một điểm sáng và là “chìa khóa chuyển mình” quan trọng nhất của ngành. Không còn đơn thuần là công cụ hỗ trợ, công nghệ đang trở thành trụ cột chiến lược giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Cũng theo Vietnam Report, 100% doanh nghiệp bảo hiểm đều xác định công nghệ là cơ hội lớn nhất trong năm nay. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư cho công nghệ đã tiệm cận mức tuyệt đối, từ 95,5% năm 2024 lên 98,7% trong năm 2025 - phản ánh rõ quyết tâm tăng tốc số hóa của toàn ngành. Khảo sát cũng ghi nhận, có 92,2% doanh nghiệp hiện đã ứng dụng AI trong khâu xử lý yêu cầu bảo hiểm, thẩm định và bồi thường, tăng gấp đôi so với năm trước (40,9%). Việc số hóa toàn bộ quy trình không chỉ giúp phát hiện nhanh các dấu hiệu gian lận, mà còn rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và nâng cao đáng kể chất lượng trải nghiệm của khách hàng.
Nằm trong chiến lược số hóa và hợp tác đa kênh trên thị trường bảo hiểm hiện nay, có một điểm thay đổi đáng chú ý là làn sóng gia nhập của các ngân hàng đang mở ra những kỳ vọng về một hệ sinh thái tài chính - bảo hiểm tích hợp, hỗ trợ mở rộng kênh phân phối và tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang tích cực mở rộng hợp tác với các ngân hàng, ví điện tử và ứng dụng thanh toán nhằm tích hợp sản phẩm bảo hiểm vào hệ sinh thái số của đối tác. Các hình thức triển khai phổ biến gồm: Nhúng liên kết website bảo hiểm vào nền tảng ứng dụng/web của đối tác, hoặc sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) đóng vai trò là cổng truyền dữ liệu giữa 2 hệ thống. Khi khách hàng thực hiện giao dịch mua bảo hiểm trên ứng dụng số, thông tin sẽ được kết nối và truyền qua API sang hệ thống của công ty bảo hiểm, đồng thời dữ liệu sản phẩm bảo hiểm cũng được phản hồi ngược trở lại, bảo đảm quá trình tương tác diễn ra liền mạch, nhanh chóng và chính xác. Đây được xem là một mô hình hợp tác công nghệ mới tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, mở ra tiềm năng lớn trong việc mở rộng kênh phân phối và nâng cao trải nghiệm người dùng.
“Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu đối với mọi doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, làm thế nào ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả để vừa nâng cao quản trị, cải thiện trải nghiệm khách hàng, vừa đảm bảo bài toán đầu tư bền vững là thách thức riêng của từng doanh nghiệp. Mỗi đơn vị sẽ cần lựa chọn con đường phù hợp với chiến lược và năng lực của mình, cho nên hiệu quả triển khai chắc chắn sẽ không giống nhau. Do đó, những ai đi nhanh và đi đúng sẽ nắm được lợi thế cạnh tranh dài hạn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm tốp đầu thị trường nhìn nhận.