Dở khóc dở cười vì đặt phòng khách sạn online ham giá rẻ

Nhiều du khách đã đặt phòng qua các trang web và fanpage Facebook với mức giá rất rẻ. Thế nhưng, khi họ đến nơi, lại nhận được thông báo rằng tên mình không có trong danh sách đặt phòng của khách sạn.

Phát hiện bị lừa khi đến khách sạn nhận phòng

Chị Nguyễn Thị Lan, một hướng dẫn viên, chia sẻ, thời gian gần đây, một số du khách phản ánh về việc họ đã đặt phòng tại thành phố Đà Nẵng nhưng khi đến nơi thì không có tên trong danh sách. Họ đã chuyển khoản đặt cọc cho một trang web không chính thức, chỉ khi đến khách sạn, được thông báo mới biết mình đã bị lừa.

Một hướng dẫn viên khác, anh Trần Văn Minh, cho biết: "Chúng tôi thường phải hướng dẫn du khách những cách nhận biết trang web chính thức. Nhiều khách chỉ nhìn thấy mức giá rẻ mà không kiểm tra thông tin. Họ cần phải thận trọng hơn, nhất là khi đặt phòng online".

Tường hợp điển hình mà anh Minh gặp phải là câu chuyện của một cặp đôi đến từ châu Âu. Họ đã đặt phòng qua một trang web giả mạo và chuyển tiền đặt cọc. Khi đến khách sạn, họ không thấy tên mình trong danh sách dù tiền đã bị trừ khỏi tài khoản.

"Họ rất thất vọng và hoang mang và chúng tôi phải giúp họ tìm một chỗ ở khác vào phút chót", anh Minh chia sẻ thêm.

Du khách đến thành phố Đà Nẵng du lịch.

Du khách đến thành phố Đà Nẵng du lịch.

Liên quan đến vấn đề này, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Đà Nẵng cũng ghi nhận, các đối tượng lừa đảo thường lập ra hàng loạt trang web và fanpage Facebook giả mạo, có tên và hình ảnh tương tự như các resort, khách sạn, nhà nghỉ, homestay tại Đà Nẵng.

Họ chạy quảng cáo cho các bài viết cho thuê phòng với giá cực rẻ nhằm thu hút sự chú ý của người dùng. Sau khi tiếp cận nạn nhân, họ yêu cầu đặt cọc tiền phòng bằng cách chuyển khoản vào tài khoản cá nhân. Đặc biệt, một số đối tượng còn tạo ra tài khoản ngân hàng trùng tên với khách sạn để tăng thêm niềm tin cho nạn nhân.

Một số đối tượng khác sử dụng những thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt quyền truy cập vào tài khoản khách sạn trên website booking.com, thực hiện các hành vi lừa đảo phishing (tấn công giả mạo).

Thủ đoạn của các đối tượng này thường bắt đầu từ việc khai thác sự lơ là trong công tác bảo mật của các khách sạn. Sau khi chiếm đoạt tài khoản, chúng gửi đến khách hàng đã đặt phòng những đường link giả mạo, chẳng hạn như https://pay-booking.live/..., có giao diện giống hệt trang thanh toán chính thức của booking.com.

Chúng yêu cầu khách hàng nhập thông tin như số thẻ tín dụng, thông tin cá nhân và mã OTP, đe dọa rằng nếu không làm theo, phòng của họ sẽ bị hủy.

Chỉ trong vài phút sau khi khách hàng nhấp vào đường link và cung cấp thông tin, họ nhận được thông báo từ ngân hàng về việc tiền đã bị trừ trong tài khoản. Khi đến khách sạn để nhận phòng và phát hiện chưa thanh toán, họ mới nhận ra mình đã trở thành nạn nhân của cuộc lừa đảo.

Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân là người nước ngoài và du khách từ các tỉnh khác. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của các khách sạn tại Đà Nẵng, cũng như môi trường du lịch của thành phố.

Các vụ lừa đảo gần đây đã khiến nhiều du khách đến Đà Nẵng gặp phải tình huống khó xử khi họ thanh toán tiền hoặc đặt cọc từ 30-50%, nhưng khi đến nhận phòng lại không có tên trong danh sách đặt phòng.

Cách tránh rơi vào bẫy lừa đảo đặt phòng online

Trước tình hình đáng báo động này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đã đưa ra một số khuyến cáo quan trọng nhằm bảo vệ người dân và du khách.

Du khách cần thận trọng khi nhận được quảng cáo thuê phòng với mức giá quá rẻ, vì đây có thể là dấu hiệu của một chiêu lừa đảo.

Người dùng nên chú ý đến các dấu hiệu nhận biết của website hoặc fanpage giả mạo, chẳng hạn như thông tin liên hệ không chính xác hoặc không rõ ràng.

Khu phố Tây An Thượng, nơi tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ của thành phố Đà Nẵng.

Khu phố Tây An Thượng, nơi tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ của thành phố Đà Nẵng.

Trước khi quyết định đặt phòng, hãy tìm hiểu kỹ thông tin về cơ sở lưu trú qua các kênh chính thống hoặc từ những đánh giá, phản hồi của khách hàng trước.

Nếu phát hiện bị lừa đảo, người dân và du khách nên ngay lập tức trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Lừa đảo qua mạng đang trở thành vấn nạn đáng lo ngại, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Để bảo vệ bản thân và tài sản, mỗi người cần nâng cao cảnh giác và thông tin cần thiết khi đặt phòng qua mạng.

Bên cạnh đó, nhiều hướng dẫn viên tại thành phố Đà Nẵng cũng chia sẻ, để bảo vệ du khách và hình ảnh du lịch Đà Nẵng, các đơn vị du lịch, khách sạn và cơ quan chức năng cần hợp tác chặt chẽ. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng và du khách về các hình thức lừa đảo trực tuyến là rất quan trọng.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/do-khoc-do-cuoi-vi-dat-phong-khach-san-online-ham-gia-re-204240921180341131.htm
Zalo