Đổ bệnh vì nắng nóng

Những ngày qua, tại TPHCM và các tỉnh Nam bộ đã bước vào những ngày nắng nóng gay gắt, nhiều người nhập viện vì các bệnh tiêu hóa, viêm hô hấp trên, say nắng, say nóng. Đặc biệt, đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có nhiều bệnh nền nếu không có biện pháp phòng tránh phù hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Người dân chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM. Ảnh: THÀNH AN

Người dân chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM. Ảnh: THÀNH AN

Dồn dập nhập viện

Theo ghi nhận của phóng viên, 7 giờ sáng 1-3, tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM rất đông người bệnh xếp hàng chờ đến lượt khám. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (62 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết, thời tiết nắng nóng những ngày qua đã khiến cơ thể bà suy nhược, mệt mỏi và mắc bệnh hô hấp. “Nhiều ngày liền tôi cảm giác uể oải, mệt mỏi và ho liên tục nên đã đến phòng khám gần nhà để khám. Tuy nhiên, hơn 4 ngày uống thuốc, bệnh tình không thuyên giảm nên hôm nay phải đến bệnh viện kiểm tra”, bà Ngọc Anh nói.

Theo bác sĩ CK2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất, những ngày gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều người bệnh có bệnh lý nền, hen, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim nhập viện. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, nhiều người lớn tuổi có bệnh nền trở bệnh nặng. Thời điểm trước tết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 người bệnh thì hiện nay, số ca bệnh đã tăng lên khoảng 2.500 người, trong đó khoảng 150 trường hợp có chỉ định nhập viện.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, số lượng người bệnh đã bắt đầu có sự gia tăng so với những ngày đầu năm. Các bác sĩ cho biết, thời tiết nắng nóng thường làm trẻ giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh như viêm đường hô hấp trên, viêm họng amiđan, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…

Còn theo thống kê của Bệnh viện Tâm Anh TPHCM, từ đầu tháng 2 đến nay, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da của bệnh viện cũng ghi nhận số ca mắc các bệnh da liễu liên quan đến nắng nóng đến khám gia tăng.

 Người nhà và bệnh nhi chờ đến lượt khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM (ảnh chụp sáng 1-3). Ảnh: CAO THĂNG

Người nhà và bệnh nhi chờ đến lượt khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM (ảnh chụp sáng 1-3). Ảnh: CAO THĂNG

Tại ĐBSCL, nhiều bệnh viện ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang... cũng gia tăng người bệnh do nắng nóng.

Theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, trong 2 tháng đầu năm 2024, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 1.581 ca đột quỵ, tăng gần 500 ca so với cùng kỳ năm ngoái. TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết, khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể đổ mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước. Lúc này, thể tích lòng mạch giảm đi, máu trở nên cô đặc hơn, dễ hình thành cục máu đông, gây tắc mạch, dẫn đến đột quỵ.

Quá tải người bệnh nhập viện vì lạnh Tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội như Bạch Mai, Thanh Nhàn, Xanh Pôn…, trong suốt tuần qua đã tiếp nhận số người bệnh tới thăm khám tăng rất cao, chủ yếu là các bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa, xương khớp và tim mạch.

Cụ thể, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi ngày Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận thăm khám, điều trị từ 1.800-2.000 người bệnh, tăng khoảng 500 người so với trước. Số lượng người bệnh nhiều nhất là ở nhóm bệnh mạn tính, như tim mạch khoảng 100 người bệnh/ngày và nội tiết là 40-50 người bệnh/ngày. Bên cạnh đó, thời tiết rét cóng và nồm ẩm tại miền Bắc cũng khiến rất nhiều trường hợp bị đột quỵ, trong đó không ít người còn khá trẻ.

MINH KHANG

Chủ động phòng chống

Trước thực trạng nắng nóng kéo dài và dự báo có thể bùng phát diện rộng với cường độ mạnh hơn những năm trước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin, nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi nắng nóng là người già, trẻ em, phụ nữ; những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng, người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép; những người mắc các bệnh mãn tính về tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư.…

“Người dân cần uống đủ nước, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Nếu phải đi ra ngoài trời, cần che chắn nhằm hạn chế tiếp xúc với nắng”, HCDC khuyến cáo.

Đối với những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi ra ngoài trời. Tăng cường ăn các loại rau xanh và trái cây, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính..

Ngày 1-3, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã có báo cáo nhận định nguy cơ xâm nhập mặn tăng cao trong 10 ngày tới tại Nam bộ, nguyên nhân do nắng nóng còn kéo dài ít nhất 10 ngày, chưa có dấu hiệu kết thúc.

Theo cơ quan khí tượng, mặc dù gần đây, đã có một vài nơi ở TPHCM và Nam bộ có mưa trái mùa nhưng chỉ rải rác (cục bộ), thời gian ngắn, nên chủ đạo là nắng nóng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 31-34 độ C (riêng Đông Nam bộ nắng nóng diện rộng, nhiệt độ phổ biến 33-36 độ C, một số điểm đo nhiệt độ vượt 37 độ C).

Các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia dự báo, trong 9-10 ngày tới, Nam bộ tiếp tục phổ biến ít mưa, nắng nóng có xu hướng mở rộng, nắng nóng gay gắt xuất hiện ở nhiều điểm mới.

VĂN PHÚC

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/do-benh-vi-nang-nong-post728881.html
Zalo