DNA một loài người khác 'xâm chiếm' người châu Á đến 2 lần
Một loài người đã tuyệt chủng 30.000-40.000 năm trước có thể đã để lại dấu vết của họ trong người hiện đại nhiều hơn chúng ta tưởng.
Theo Sci-News, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Đại học Trinity Dublin (Ireland) chỉ ra rằng chỉ ra rằng loài người Denisovans cổ đại đã từng sống ở khắp nơi trên thế giới: Châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương.
Trong đó, có ít nhất 2 quần thể Denisovans riêng biệt đã phát triển mạnh mẽ ở châu Á và để lại dòng máu trong người châu Á hiện đại.
Denisovans là một loài cùng thuộc chi Homo (chi Người) với chúng ta, đã tuyệt chủng khoảng 30.000-40.000 năm trước.
Họ được xác định lần đầu tiên nhờ trình tự gene giải mã từ một mảnh xương ngón tay được tìm thấy tại hang động Denisovans ở dãy núi Altai, miền Nam Siberia - Nga.
TS Linda Ongaro, đồng tác giả chính, cho rằng một quan niệm sai lầm phổ biến là con người tiến hóa đột ngột và gọn gàng từ một tổ tiên chung.
Nhưng chúng ta càng tìm hiểu thì càng nhận ra rằng sự giao phối giữa các loài thuộc tông người khác nhau đã diễn ra và góp phần hình thành nên con người chúng ta ngày nay.
Trong đó, hai loài người cổ đại Neanderthals và Denisovans nổi bật như 2 vị tổ tiên khác loài phổ biến nhất, để lại nhiều DNA dị chủng nhất trong cơ thể Homo sapiens hiện đại - tức chúng ta.
Tuy vậy, di chỉ liên quan đến người Denisovans khan hiếm hơn vị tổ tiên khác loài còn lại nhiều. Nhưng các phân tích dựa trên bộ gene người hiện đại lại cho thấy dấu vết của họ rất phổ biến.
Nhóm tác giả phát hiện ra bằng chứng về ít nhất 3 sự kiện trong quá khứ mà qua đó các gene từ các quần thể Denisovans riêng biệt đã xâm nhập vào các đặc điểm di truyền của người hiện đại.
Trong đó, 2 sự kiện xảy ra ở châu Á, được tạo ra bởi 2 quần thể Denisovans khác nhau.
Kết quả này cũng phù hợp với các di chỉ liên quan đến loài người cổ đại này từng được phát hiện ở Đông Nam Á cũng như vùng Tây Tạng của Trung Quốc.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Genetics cũng phác thảo cách mà DNA khác loài mang lại cho con người hiện đại những lợi thế trong các môi trường khác nhau.
Một số gene có thể mang lại khả năng chịu đựng điều kiện thiếu oxy tốt hơn người Homo sapiens "thuần chủng", trong khi một số khác mang lại hệ miễn dịch tốt hơn.
Quần thể người Inuit ở Bắc Cực lại được thừa hưởng các yếu tố giúp họ chuyển hóa lipid tốt hơn theo cách giúp cơ thể tự giữ ấm trước cái lạnh.
Theo các tác giả, nghiên cứu sâu hơn về loài người cổ này có thể giúp chúng ta hiểu được giá trị của các "tài sản thừa kế" trong dòng máu của chính mình.
Việc hiểu hơn về cách các vị tổ tiên này xâm chiếm DNA của người hiện đại hoặc ngược lại cũng có thể giúp chúng ta xác định được nhiều hóa thạch thuộc về họ hơn, lấp đầy các khoảng trống hiểu biết về quá trình tiến hóa của nhân loại.