DN dịch vụ sân bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lãi bộn
Doanh nghiệp nhà chồng cựu nữ diễn viên Tăng Thanh Hà báo lãi cao chưa từng có cho dù nền kinh tế nhìn chung còn nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa leo thang.
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch, vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu và lợi nhuận gộp đạt tương ứng hơn 782 tỷ đồng và 498 tỷ đồng.
Đây đều là những con số kỷ lục mà ông lớn dịch vụ hàng không ghi nhận trong một quý. Với mức lợi nhuận nói trên, biên lợi nhuận gộp đạt gần 64%.
Điều này đồng nghĩa với việc, thu về 20 đồng sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, Sasco lãi gộp gần 13 đồng - một tỷ lệ rất cao.
Sau khi trừ chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp…, Sasco lãi gần 216 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lãi gần 181 tỷ đồng sau thuế trong quý III/2024.
Lũy kế 9 tháng, Sasco ghi nhận tổng doanh thu hơn 2.117 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 294 tỷ đồng, tăng 12% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là những con số ấn tượng nếu so với quy mô vốn hơn 1.330 tỷ đồng của Sasco.
Sasco lãi khủng từ đâu?
Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn bắt đầu lấn sân mạnh vào lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không từ năm 2015 với thương vụ hợp tác giữa IPP Group và Sasco.
Sasco là công ty do “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch và vợ là cựu nữ diễn viên Lê Hồng Thủy Tiên làm thành viên HĐQT. Đây là công ty chuyên bán lẻ, kinh doanh hàng miễn thuế và kinh doanh dịch vụ tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Sasco từ năm 2017.
IPP Group cũng đầu tư nắm giữ hơn 10% cổ phần CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài - Nasco (NAS) và hợp tác với Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) tại sân bay quốc tế Cam Ranh.
Giải trình về lợi nhuận sau thuế quý III tăng tới 40% so với cùng kỳ, Sasco cho biết là nhờ tình hình kinh doanh của công ty đã khôi phục lại bình thường (sau đại dịch Covid). Công ty kiểm soát tốt chi phí. Lợi nhuận hoạt động tài chính tăng…
Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo, có thể thấy Sasco có lãi lớn chủ yếu nhờ doanh thu tăng và giá vốn hàng bán thấp, qua đó khiến lợi nhuận gộp cao, thu 20 đồng thì lãi gộp gần 13 đồng. Biên lợi nhuận này là hiếm có trên thị trường.
Sở dĩ Sasco có được kết quả này nhờ lợi thế từ hoạt động tập trung vào các khách hàng ở tầng lớp thượng lưu, giàu có với các dịch vụ hạng sang tại các sân bay chính tại Việt Nam.
Mặc dù kinh tế khó khăn và sức cầu tiêu dùng sụt giảm nhưng chi tiêu của giới giàu có thường không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái.
Prime Lounge tại sân bay Tân Sân Nhất chẳng hạn, được coi là phòng chờ cho giới doanh nhân và nhóm khách thượng lưu với quầy bar bartender pha chế riêng, nhiều món ăn đắt giá, các tác phẩm hội họa, gốm sứ Bát Tràng, lụa Hà Đông... Lợi nhuận có thể là rất cao.
Theo báo cáo, Sasco có hoạt động kinh doanh chính là hàng miễn thuế, hệ thống bán lẻ, dịch vụ phòng chờ thương gia, dịch vụ cung ứng suất ăn hàng không, dịch vụ handing, dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, xe vận chuyển, dịch vụ quảng cáo…
Bên cạnh đó, Sasco cũng có những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như L’Azure Resort & Spa ở Phú Quốc (Kiên Giang); sản xuất nước mắm truyền thống, kinh doanh xuất nhập khẩu.
IPP Group là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng hiệu quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Đây là một tập đoàn ghi dấu ấn của bà Lê Hồng Thủy Tiên. Doanh nghiệp nhà bà Thủy Tiên phân phối rất nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace, Rolex… và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts…