Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Đưa hàng Việt gần hơn với người tiêu dùng
Sáng 13-12, Báo Kinh tế và Đô thị và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm 'Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025'.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, Tết Nguyên đán là dịp người tiêu dùng chú trọng tới sản phẩm tốt, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn thể hiện tình yêu và sự tự hào với hàng Việt.
Trong thời đại số, thương mại điện tử đã trở thành kênh phân phối quan trọng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với lượng lớn khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Điểm lại kết quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 15 năm qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, Cuộc vận động đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Thông tin về việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp đã dự trữ lượng hàng hóa gồm: 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 tấn thủy sản, 16.560 tấn thực phẩm chế biến, 238.500 tấn trái cây và 1.575 tấn bánh, mứt, kẹo…
Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, để tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa…
Như thường lệ, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm; tổ chức các chợ hoa Xuân… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Về phía doanh nghiệp, bà Đỗ Tuệ Tâm - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) - thông tin, nhu cầu tiêu dùng Tết năm nay dự kiến tăng khoảng 30%.
Từ đầu tháng 10 vừa qua, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để lên kế hoạch nguồn cung sản phẩm các loại; đồng thời chủ động tăng sản lượng hàng Tết lên 30% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện doanh nghiệp có khoảng 20 mặt hàng bình ổn giá, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao. Các chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm được triển khai liên tiếp.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.op mart Hà Đông cho biết, Co.op Mart Hà Đông hằng năm thực hiện khoảng 2.000 chuyến hàng Tết tặng các giỏ quà thiết yếu cho bà con vùng sâu, vùng xa, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, bà Đỗ Tuệ Tâm chia sẻ, các mặt hàng, sản phẩm đưa vào kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của Hapro luôn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Công ty đã thành lập tổ kiểm tra an toàn thực phẩm giám sát hàng hóa, đảm bảo sản phẩm nguồn gốc rõ ràng trước khi trưng bày trên kệ của hệ thống siêu thị.
Cảnh báo về tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại trong dịp Tết, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thế Hiệp cho biết, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh tình trạng hàng giả, kém chất lượng.