Đình Yên Kiện: Di sản văn hóa lưu giữ hào khí thời Hùng Vương

Tọa lạc tại trung tâm làng Yên Kiện, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đình Yên Kiện là một công trình kiến trúc cổ kính, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Với vị trí "Long Hồ Hoàn Bão" (thế đất cao ráo), ngôi đình không chỉ là nơi thờ tự mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương.

Bề dày lịch sử và kiến trúc độc đáo

Đình Yên Kiện thờ ba vị Thành hoàng làng: Thành Hiển, Đoan Minh và Dực Bồng Đại vương. Theo "Hùng Duệ Vương triều Tam vị Đại Vương Ngọc Phả lục" do Hàn lâm Lễ viện, Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) và được tái biên soạn năm Vĩnh Hựu thứ tư (1736), ba vị đại vương là những anh hùng văn võ song toàn, có công phò giúp triều Hùng Duệ Vương đánh giặc Ai Lao, bảo vệ bờ cõi nước Văn Lang.

Không chỉ là công trình kiến trúc cổ, đình Yên Kiện còn gắn liền với nhiều dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Ngày 19/8 năm Cách mạng Tháng Tám, đình là nơi nhân dân tổ chức mít tinh, biểu tình giành chính quyền từ tay địa chủ phong kiến, lập chính quyền cách mạng lâm thời.

Tọa lạc trên thế đất cao, đình Yên Kiện quay mặt về hướng Đông Nam, trước mặt là hồ nước tụ phúc, bao quanh là không gian văn hóa quen thuộc "cây đa, giếng nước, sân đình" và cánh đồng lúa xanh bát ngát.

 Khuôn viên di tích đình Yên Kiện, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: sưu tầm)

Khuôn viên di tích đình Yên Kiện, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: sưu tầm)

Đình có kiến trúc kiểu chữ Công với các hạng mục chính: Nghi môn ba lối, Đại bái 5 gian 2 dĩ với 4 mái đao cong lợp ngói ri Tòa Ống Muống là một dạng kiến trúc đặc biệt của đình làng Yên Kiện, có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh. Hậu cung đình Yên Kiện được làm kiểu nhà ngang với 3 gian đầu hồi bít dốc. Trong Hậu cung có 3 gian thờ, gian chính giữa được lắp ván sàn thờ bằng gỗ lim, cấp trên cùng thờ thành hoàng làng, cấp dưới đặt bát hương và một số đồ thờ khác. Khuôn viên còn có sân gạch, tường bao và vườn cây cổ thụ tạo bóng mát.

Được khởi dựng từ lâu đời, đình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, vẫn lưu giữ các yếu tố thời Lê qua nhiều lần trùng tu. Hiện nơi đây còn bảo tồn nhiều di vật quý như 03 bộ long ngai - Bài vị; 01 kiệu bát cống thời Lê; 01 kiệu Song loan thời Lê; 08 dạo sắc phong; 01 cuốn Ngọc phả viết chữ Hán bằng giấy gió sao lại năm Khải Định thứ 9 (1924) cùng nhiều di vật khác…

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Đình Yên Kiện không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị của cộng đồng. Vào ngày rằm, mùng một hay những dịp trọng đại, bà con lại tụ họp tại đây như một lẽ tự nhiên. Đặc biệt, từ ngày 12 đến 15 tháng 2 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống tại đình, tưởng nhớ công lao của ba vị Thành hoàng và cầu mong quốc thái dân an.

Đình Yên Kiện là một công trình kiến trúc cổ kính, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa đồng bằng Bắc bộ. (Ảnh: sưu tầm)

Đình Yên Kiện là một công trình kiến trúc cổ kính, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa đồng bằng Bắc bộ. (Ảnh: sưu tầm)

Trong bối cảnh hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị của đình Yên Kiện là nhiệm vụ quan trọng. Chính quyền và người dân địa phương cần phối hợp chặt chẽ để duy trì các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi đình sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Lan

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/dinh-yen-kien-di-san-van-hoa-luu-giu-hao-khi-thoi-hung-vuong-98852.html
Zalo