Định vị TP HCM trong kỷ nguyên vươn mình
Tạo bước đột phá tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và cơ chế quản lý của một siêu đô thị
Ngày 23-12, Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023 cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Vấn đề đặt ra cho TP HCM và Đông Nam Bộ". Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.
Chuẩn bị các tiền đề quan trọng
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia góp ý các giải pháp để thành phố bước vào kỷ nguyên mới. Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhìn nhận thành phố và vùng Đông Nam Bộ là nơi cảm nhận rõ nét nhất sự chuyển động mạnh mẽ trong sự chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Lãnh đạo TP HCM cũng nhận thức rõ về tiềm năng, cơ hội và thách thức cần đối mặt. Trong nhiệm kỳ qua, TP HCM đã chuẩn bị các tiền đề quan trọng. Thành phố đang gấp rút hoàn chỉnh tuyến Vành đai 2, xây dựng tuyến Vành đai 3 và chuẩn bị trình dự án đường Vành đai 4. Vừa qua, thành phố cũng khai thác thương mại tuyến Metro số 1 và chuẩn bị để hoàn thiện 7 tuyến metro còn lại. Ngoài ra, TP HCM giải bài toán xóa tất cả nhà trên và ven kênh, rạch; thực hiện chuyển đổi số, huy động chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, kết nối các viện, trường đại học hàng đầu thế giới. Những bước chuẩn bị trên cho thấy TP HCM đang tập trung cùng vùng Đông Nam Bộ để chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 - cho biết kỷ nguyên mới là cơ hội để TP HCM thực hiện kỳ vọng phát triển, biến khát vọng thành hiện thực. Theo TS Trần Du Lịch, TP HCM là nơi có điều kiện nhất để tiến vào kỷ nguyên mới. Do đó, thành phố cần xác lập vị trí, vai trò trong 10 năm tới theo tinh thần Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải cao hơn 1,2-1,5 lần mức bình quân cả nước. Tức bình quân giai đoạn 2026-2035, kinh tế thành phố phải tăng trưởng hằng năm 2 con số (11%-12%/năm) và duy trì tăng trưởng ổn định trong 10 năm tiếp theo khoảng 9%-10%. Vì vậy, thành phố tập trung vào những công trình, dự án làm thay đổi thành phố theo tầm nhìn của Nghị quyết 31. Cùng với xử lý nhanh các công trình, dự án đang tồn đọng kéo dài nhiều năm gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời, giải quyết dứt điểm đường vành đai kết nối các cửa ngõ đang bị nghẽn, để đồng bộ hệ thống đường bộ và đột phá trong đường sắt đô thị; phát triển vùng TP HCM như Tokyo, Paris…
Đặc biệt, tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thể chế, tạo bước tiến mang tính cách mạng về môi trường đầu tư, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. TS Trần Du Lịch cho hay hiện Trung ương đang hỗ trợ cho thành phố để có bước đột phá trong tháo gỡ 2 điểm nghẽn cố hữu là hạ tầng giao thông và cơ chế quản lý của một siêu đô thị. "Hai điểm nghẽn đã hé ra nhiều điểm sáng. Gỡ được 2 điểm nghẽn này sẽ bung rất mạnh về nguồn vốn" - TS Trần Du Lịch nói.
Mô hình "3:3:3"
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng mô hình 3:3:3 sẽ thúc đẩy thành phố tăng tốc và phát triển bền vững. Đó là 3 đột phá chiến lược (thể chế, kết cấu hạ tầng và nhân lực chất lượng cao); 3 động cơ tăng tốc (khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dịch vụ chất lượng cao); 3 hoạt động thường xuyên và bền vững (chuyển đổi xanh, văn hóa, du lịch). PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng cần theo đuổi Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM phù hợp với quy mô kinh tế thành phố; đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm triển khai hiệu quả các chương trình đề án trọng điểm.
GS-TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), nêu quan điểm Việt Nam và TP HCM cần vươn mình trong quản trị công. Gợi mở 7 chiến lược, ông chỉ rõ thành phố phải có đội ngũ cán bộ hội tụ 3 điều kiện là năng lực, động lực và môi trường: muốn làm, làm được và được làm. "Trong nhiệm kỳ tới, TP HCM cần đột phá ở 3 điều kiện này" - GS-TS Trần Ngọc Anh nói. Muốn vậy, cần tăng lương cao trước cho những nhóm cán bộ quan trọng, những ngành quan trọng, đem lại hiệu quả kinh tế, ngân sách trước mới tăng lương cho nhóm cán bộ khác. Đồng thời, cần có hệ thống đánh giá công việc chính xác, khách quan, công bằng. Về tinh gọn bộ máy, ông nhận định Việt Nam đang tập trung vào việc giảm số lượng người làm trong khu vực công nhưng có chỗ thừa và chỗ thiếu. Do đó, nếu áp dụng chính sách "đồng phục" giảm biên chế thì sẽ dẫn đến quá tải công việc ở những cơ quan quan trọng. Thay vào đó, nên áp dụng khoa học quản trị để xác định chỗ nào nên cắt, chỗ nào nên tăng.
TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế - Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng Nhà nước kiến tạo thì phải có kiến trúc sư tài năng và phải được trả công xứng đáng.
Kết luận hội thảo, TS Trần Du Lịch đúc kết những ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp và định hướng phát triển cho TP HCM của các chuyên gia và nhà khoa học là nguồn dữ liệu, phục vụ cho công cuộc đưa TP HCM và vùng Đông Nam Bộ phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trung tâm dữ liệu của khu vực
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, xác định là trung tâm dữ liệu của khu vực và quốc tế, thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị hạ tầng năng lượng, viễn thông và tính toán để hình thành trung tâm dữ liệu của khu vực. Cụ thể, chuẩn bị hạ tầng năng lượng sạch gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, đang tính toán đến năng lượng thủy triều. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đề xuất bổ sung quy hoạch đường truyền tải điện từ Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc từ miền Tây Nam Bộ về thành phố. Ngoài ra, thành phố đang đề nghị mở cáp quang quốc tế thông qua cổng ở Cần Giờ.
TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế - Ban Kinh tế Trung ương:
Giữ chân đội ngũ doanh nhân
Quan sát từ thế giới cho thấy những quốc gia rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình là khi không giữ được đội ngũ doanh nhân. Đội ngũ này ra đi kéo theo tài sản, trí tuệ ra đi. Hiện nhiều nước như Mỹ, Canada và Úc đang tích cực thực hiện nhiều chính sách đầu tư để có thẻ xanh, đầu tư để có citizenship - công dân toàn cầu, thu hút lực lượng doanh nghiệp để thu hút trí tuệ, tài sản. Cần xây dựng TP HCM là nơi đáng sống để đội ngũ doanh nhân xác định đây không chỉ là nơi đầu tư mà còn là nơi sinh sống và gắn bó.
PGS-TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật điện toán - Trường Đại học Bách khoa TP HCM:
Chuẩn bị năng lượng sạch
Để khoa học - công nghệ trở thành động lực thì TP HCM phải phát triển hạ tầng số, đặt mình vào vai trò là trung tâm dữ liệu của cả khu vực, cạnh tranh toàn cầu và có lộ trình, chính sách phát triển trung tâm dữ liệu siêu lớn (TTDLSL). So với Thái Lan, Singapore, TP HCM tuy muộn nhưng bù lại có lợi thế khi hiện nay các tập đoàn đang tìm một số quốc gia mới để đầu tư. Những tập đoàn này đang cần các TTDLSL. TTDLSL đòi hỏi sử dụng năng lượng sạch nên thành phố cần chuẩn bị chính sách về đất đai, năng lượng, nhất là năng lượng sạch để đầu tư TTDLSL. Bên cạnh đó, thành phố cần chuẩn bị nguồn nhân lực và hạ tầng viễn thông. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi hình thành trung tâm dữ liệu.
TS Huỳnh Thế Du, Đại học Indiana (Mỹ):
Một trung tâm, ba hành lang
TP HCM nên tập trung phát triển theo hướng "Một trung tâm, ba hành lang" trong kỷ nguyên vươn mình. Thành phố là trung tâm gắn kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, hướng ra biển Đông và kết nối trong ASEAN. Trong đó, TP Thủ Đức là trung tâm hướng ra biển và hội nhập quốc tế, gắn với trung tâm hiện hữu; còn 3 hành lang gồm: phía Tây Nam gắn với vùng đồng bằng sông Cửu Long; phía Tây kết nối với Campuchia qua tỉnh Tây Ninh; phía Tây Bắc kết nối với Tây Nguyên qua tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.
Tầm nhìn tập trung phát triển TP HCM theo hướng "Một trung tâm, ba hành lang" không đơn thuần về mặt không gian phát triển mà còn mang thông điệp chính sách và chính trị rất mạnh. Bởi tầm nhìn này sẽ giúp thành phố phát huy vai trò trung tâm và đầu tàu. Đồng thời, phát huy được sức mạnh và tiềm năng của các địa phương có quy mô nền kinh tế lớn trong vùng, như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Song song đó, tạo điều kiện để các địa phương còn lại trong vùng là Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang hình thành làn sóng tăng trưởng và phát triển; tạo ra các cơ hội phát triển và gắn kết cho các địa phương khác, kết nối quốc tế và thực hiện tầm nhìn phát triển ASEAN.
Nguyễn Phan ghi