Định vị mối quan hệ từ chuyến thăm lịch sử
Rời đất nước Mông Cổ tươi đẹp, Ðoàn đại biểu Việt Nam mang theo ấn tượng sâu sắc về kết quả chuyến thăm, lòng mến khách, tình cảm chân thành và tình hữu nghị thắm thiết của lãnh đạo, nhân dân Mông Cổ. Chuyến thăm cấp Nhà nước từ ngày 30/9 đến 1/10 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống mở ra trang mới, thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mông Cổ.
Hữu nghị truyền thống
Chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội vượt hành trình 2.740 km đáp xuống sân bay quốc tế Thành Cát Tư Hãn, thủ đô Ulan Bator đất nước Mông Cổ. Tiết trời khá lạnh như được xua tan bởi sự chào đón nồng nhiệt, ấm áp, thân tình và trang trọng của lãnh đạo, người dân xứ sở thảo nguyên.
Quan hệ Việt Nam-Mông Cổ phát triển tốt đẹp kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1954, được các thế hệ lãnh đạo hai nước kế thừa tiếp nối, vun đắp, phát triển, mở ra trang sử mới trọng đại, đáp ứng ý chí, nguyện vọng của lãnh đạo, nhân dân hai nước. Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm Mông Cổ, đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước. Từ đó, tình hữu nghị hai nước luôn giữ vững nền tảng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, hợp tác trên các lĩnh vực được củng cố, tăng cường. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Mông Cổ; mong muốn thúc đẩy quan hệ với Mông Cổ đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, phù hợp tình hình mới.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến Trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại buổi đón tiếp, thầy, trò nhà trường và các em học sinh đã cất vang lời bài hát Nhớ ơn Bác Hồ với những lời ca ngọt ngào "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng" và "như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" cùng những điệu múa đậm chất văn hóa truyền thống Việt Nam, xen lẫn điệu nhạc và nhịp điệu vỗ tay trong niềm hân hoan, nồng ấm của đông đảo lãnh đạo, cán bộ hai nước.
Thầy Hiệu trưởng Trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh E.Gungaajav bày tỏ vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến thăm ngôi trường mang tên vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và biểu tượng cho tình hữu nghị truyền thống của hai nước Mông Cổ-Việt Nam. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tìm hiểu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; học hỏi, tìm hiểu phong tục tập quán, quảng bá, phát huy vai trò trong giáo dục truyền thống, văn hóa con người Việt Nam. Hiện nay, trường có hơn 500 học sinh tham gia các khóa học, câu lạc bộ về văn hóa, phong tục, con người Việt Nam.
Em J.Munkhtuguldur, học sinh lớp 9, Trường liên cấp số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, được học ở ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, các em luôn được tham gia các hoạt động học tập, sinh hoạt ngoài giờ, các cuộc thi, tìm hiểu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam cũng như tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua những bài học, những cuộc thi, em được hiểu thêm về Việt Nam, nhất là về tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Truyền thống và tình hữu nghị thể hiện rõ ở sự thấu hiểu và chia sẻ, gần gũi của văn hóa, kinh tế, giao lưu nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh dự khai mạc chương trình Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ năm 2024, với không gian văn hóa đặc sắc, bằng ngôn ngữ của nghệ thuật. Chương trình biểu diễn nghệ thuật "Sắc Việt" do Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam trình diễn sử dụng các nhạc cụ truyền thống, tiêu biểu và độc đáo của Việt Nam được hòa âm phối khí theo phong cách hiện đại. Các tiết mục nghệ thuật giới thiệu hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định, "hiếu khách, thuận hòa và tình nghĩa" vang lên trong nhà hát Opera giữa thủ đô Ulan Bator với sức chứa gần 600 chỗ, đã không còn chỗ trống và những tràng pháo tay kéo dài không ngớt là minh chứng cho sự thành công của chương trình nghệ thuật và những tình cảm trân quý khán giả Mông Cổ, bạn bè quốc tế dành cho các nghệ sĩ Việt Nam.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Thanh niên Mông Cổ Nomin Chinbat chia sẻ, Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục là minh chứng cho hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển; đánh dấu một chương mới trong quan hệ lâu đời như một câu tục ngữ của Mông Cổ "Chọn quần áo thì mới, chọn bạn bè thì cũ".
Nâng tầm Đối tác toàn diện
Trong khuôn khổ chuyến thăm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng lãnh đạo cấp cao Mông Cổ trao đổi các định hướng lớn, các biện pháp quan trọng để thắt chặt hơn nữa sự tin cậy chính trị cũng như tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực hai bên ưu tiên, nhất là hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh trong buổi hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định đây là chuyến thăm lịch sử góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mông Cổ. Mông Cổ coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực; mong muốn phát triển mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam khẳng định coi trọng phát triển quan hệ với Mông Cổ, tôn trọng chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình, rộng mở, tự chủ và đa trụ cột của Mông Cổ, chính sách "láng giềng thứ ba" và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Việc phát triển và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên "Đối tác toàn diện" và tiếp tục thúc đẩy tăng cường mở rộng hợp tác: Chính trị; quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật; kinh tế-thương mại và đầu tư; thúc đẩy hợp tác thực chất về các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, lao động, môi trường và bảo trợ xã hội; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế. Tại cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Dashzegve Amarbayasgalan, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường vai trò cơ quan lập pháp hai nước trong việc phối hợp hỗ trợ thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện, phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện; tích cực thúc đẩy tổ chức và vận động các doanh nghiệp hai nước tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại mỗi nước; mở cửa cho hàng hóa của nhau trên cơ sở có đi có lại, qua đó sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD trong thời gian tới.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là dấu mốc lớn trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chuyến thăm mang tính lịch sử, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, góp phần quan trọng định hướng và mở ra triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước, tạo động lực mới cho quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực. Như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi ký sổ "Khách Danh dự" tại Cung Nhà nước Mông Cổ với nội dung ghi lưu bút khẳng định: "Việt Nam và Mông Cổ đã đi qua chặng đường tròn 70 năm với những thành tựu hợp tác phát triển quan trọng. Hôm nay, Tổng thống Mông Cổ và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam cùng tuyên bố nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện Việt Nam-Mông Cổ, điều này sẽ mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất, hiệu quả, toàn diện và lâu dài hơn vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân hai nước...".