Định vị lợi thế cạnh tranh, tái cơ cấu ngành, hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra 19 mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, trong đó ngành Nông nghiệp được giao thực hiện 4 chỉ tiêu, gồm: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 4,5%; đảm bảo độ che phủ rừng trên 51,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra 19 mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, trong đó ngành Nông nghiệp được giao thực hiện 4 chỉ tiêu, gồm: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 4,5%; đảm bảo độ che phủ rừng trên 51,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%.

Nguyễn Huy Nhuận

TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thành viên Hợp tác xã Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) sản xuất bưởi Diễn theo tiêu chuẩn GlobalGap và được cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Ảnh: P.V

Thành viên Hợp tác xã Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) sản xuất bưởi Diễn theo tiêu chuẩn GlobalGap và được cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Ảnh: P.V

Sản phẩm ruốc cá trắm sông Đà do Công ty Hải Đăng Group sản xuất được giới thiệu, quảng bá tại nhiều thị trường trong nước. Ảnh: P.V

Sản phẩm ruốc cá trắm sông Đà do Công ty Hải Đăng Group sản xuất được giới thiệu, quảng bá tại nhiều thị trường trong nước. Ảnh: P.V

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đại hội đề ra, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực, cố gắng, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu được giao bằng các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn góp phần làm tăng giá trị sản phẩm chủ lực. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên 5 lĩnh vực chuyên ngành; đồng thời tham mưu ban hành các chính sách phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc sản địa phương theo hướng tập trung, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và các địa phương, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo dòng chảy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt tăng cường triển khai quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch, tham gia các hội chợ, triển lãm, tuần lễ giới thiệu sản phẩm... thúc đẩy kết nối giao thương và tiêu thụ sản phẩm.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đến nay có 2 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đại hội, gồm: đảm bảo độ che phủ rừng trên 51,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%.

Một trong những điểm nhấn của nông nghiệp tỉnh trong những năm qua là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản. Xác định việc sản xuất hàng hóa không chỉ nhằm cho xuất khẩu mà mục đích cuối cùng là thông qua xuất khẩu nông sản để phổ biến, áp dụng, chuẩn hóa kỹ thuật sản xuất, thu hái, chế biến và bảo quản nông sản, nhằm có sản lượng lớn sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp cho thị trường trong nước. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp chủ động mời gọi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tìm hiểu về các nhóm sản phẩm của địa phương. Xác định sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu để cùng thống nhất về quy cách, chất lượng sản phẩm. Căn cứ yêu cầu của thị trường xuất khẩu để phổ biến, hướng dẫn áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, chuẩn hóa vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng theo các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu (cấp và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi; mã số cơ sở đóng gói; chứng nhận GlobalGAP, ISO, đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật...). Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các hợp tác xã sản xuất chuyên canh một nhóm sản phẩm bên cạnh việc phát triển vùng trồng, vùng nuôi. Đưa hợp tác xã thực sự là cầu nối giữa các hộ dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Bám sát sự thay đổi về các yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu để hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá nông sản chủ lực của tỉnh trên các kênh thông tin đại chúng, qua các hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Minh bạch quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói. Sẵn sàng tiếp đón, làm việc và trao đổi cụ thể với các đối tác nhập khẩu, khách hàng tiềm năng để kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm ngay tại nơi sản xuất, nơi tập kết và sơ chế, đóng gói sản phẩm.

Hòa Bình có những lợi thế cạnh tranh rất đáng kể, nếu khai thác, phát huy tốt sẽ tạo nhiều tiềm năng mới cho phát triển của ngành như: tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, tài nguyên đất đai, khí hậu đa dạng, nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp lớn và có kinh nghiệm. Đặc biệt, tiềm năng rất lớn là vùng lòng hồ sông Đà được ví như "Vịnh Hạ Long trên cạn”, có đầy đủ vịnh, đảo, bán đảo, bản làng đồng bào dân tộc Mường, Dao, Tày, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, chứa đựng tiềm năng nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Với những lợi thế so sánh đó, nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng được ngành xác định là hướng đi hiệu quả đối với người dân vùng lòng hồ sông Đà. Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản vùng hồ Hòa Bình gắn với phát triển du lịch sinh thái. Tập trung xây dựng vùng sản xuất cá sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, tiếp tục hướng tới xây dựng mã vùng trồng thủy sản phục vụ xuất khẩu. Bảo tồn, phát triển các loài cá đặc sản có chất lượng, giá trị cao; ứng dụng công nghệ nuôi trồng cải tiến gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nuôi trồng thủy sản mục đích làm cảnh, giải trí đô thị, khu du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch, các hoạt động giáo dục, du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm.

Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ 2 được tổ chức trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh năm 2024 cũng là một trong những hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời kích cầu phát triển du lịch, thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh Hòa Bình; thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản và các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà; đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm nông nghiệp là quyền chủ sở hữu 2 nhãn hiệu đặc sản "Tôm sông Đà Hòa Bình” và "Cá sông Đà Hòa Bình”. Từ đó xây dựng hình ảnh thủ phủ cá, tôm sông Đà trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ngành Nông nghiệp với vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, để phát triển nông nghiệp bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trên cơ sở thích nghi phân hạng đất đai và tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Đẩy mạnh việc chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa từ giống đến quy trình sản xuất, thu hoạch sản phẩm. Đề xuất các cơ chế, chính sách cho phát triển sản xuất hàng hóa. Tập trung nguồn lực và mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là hoạt động chế biến, bảo quản nông sản gắn với hoạt động logistics và thị trường tiêu thụ. Tích cực hỗ trợ, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất của các tổ hợp tác, hợp tác xã. Kết nối các tổ hợp tác, hợp tác xã với người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Bố trí nguồn lực xứng đáng cho hoạt động chứng nhận chất lượng phù hợp từng thị trường tiêu thụ và các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/195631/dinh-vi-loi-the-canh-tranh,-tai-co-cau-nganh,-huong-toi-nen-nong-nghiep-sach-chat-luong-cao.htm
Zalo