Định vị đô thị nghĩa tình (*): Trợ lực cho ý chí vươn lên
Hành trình vươn lên thoát nghèo của nhiều gia đình mang dấu ấn công tác động viên, hỗ trợ, tạo sinh kế của chính quyền và cộng đồng dân cư…
Tại TP HCM vừa qua, phóng viên Báo Người Lao Động theo chân đoàn cán bộ đến thăm những hộ gia đình từng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Họ đã thay đổi số phận của mình bằng ý chí vươn lên cùng sự tiếp sức từ chính quyền, cộng đồng.
Viết lại số phận
Một trong những điển hình là bà Nguyễn Thị Thoan (SN 1974) ở phường Hiệp Thành, quận 12.
Bà Thoan trước đây làm công nhân may với lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy với việc nuôi con nhỏ là thách thức lớn. Nhưng chưa hết, gia đình bà còn gánh thêm khoản nợ 70 triệu đồng vay bên ngoài.
Năm 2011, nữ công nhân này bị phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối, cuộc sống đã chật vật lại càng trở nên bế tắc đối với bà. "Người quen lo lắng tôi không sống được bao lâu nữa. Bác sĩ cũng bảo nếu không có tiền chạy thận thì coi như xong" - bà Thoan nhớ lại quãng thời gian bi kịch.
Trong lúc tuyệt vọng, bà nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhiều tổ chức đoàn thể, hỗ trợ bảo hiểm y tế, được cấp máy may làm việc tại nhà. Nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà đã có thể thuê đất trồng rau tại huyện Hóc Môn, xây dựng căn nhà nhỏ và 3 phòng trọ cho thuê. Vợ chồng bà chăm chỉ làm lụng, nhờ vậy thu nhập tăng dần. Năm 2023, gia đình chính thức thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thoan bên luống rau mới trồng
Câu chuyện của vợ chồng bà Nguyễn Thị Dung (SN 1969) tại phường Thạnh Lộc, quận 12 cũng là minh chứng rõ nét cho quyết tâm vượt khó.
Chồng là lao động chính, bà Dung làm tạp vụ trong trường học với tiền công ít ỏi. Việc gồng gánh gia đình với 4 người con và người cha bị bại liệt khiến cuộc sống của bà xoay như chong chóng. Khó khăn chồng chất nhưng hai vợ chồng quyết tâm cho các con ăn học.
Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các con bà được giảm học phí, tặng bảo hiểm y tế. Bà làm thêm công việc giúp việc nhà theo giờ và đưa đón học sinh, còn chồng, sau giờ làm tại công ty thì mua xe máy để chạy giao hàng.
Hiện, gia đình bà thoát nghèo, cuộc sống ổn định, 2 con lớn đi làm với mức tiền lương tương xứng nỗ lực học tập. Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ hoàn cảnh khó khăn, bà Dung đảm nhận vai trò tổ trưởng tổ vay vốn khu phố, giới thiệu hơn 50 hộ vay vốn để trồng mai, sửa nhà, buôn bán và phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Dung kể về quá trình thoát nghèo của mình
Đa dạng hình thức tương trợ
Theo tìm hiểu, từ năm 1992, TP HCM là địa phương tiên phong công tác xóa đói giảm nghèo. Giai đoạn 2009-2013, chuẩn nghèo đã tiệm cận với tiêu chí quốc tế và khu vực Đông Nam Á, góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp. Từ năm 2021 đến 2025, hàng loạt chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo như bảo hiểm y tế, nhà ở, học phí, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tín dụng ưu đãi được triển khai.
Tính chung, đến nay, TP HCM giảm học phí cho 73.676 lượt học sinh với 38.132 tỉ đồng, cấp học bổng hơn 102,749 tỉ đồng cho 56.438 học sinh, hỗ trợ tiền ăn trưa cho 4.104 trẻ em mẫu giáo hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Về chính sách y tế, thành phố cấp 411.637 thẻ bảo hiểm y tế với tổng chi phí 326,237 tỉ đồng. Công tác trợ giúp pháp lý đã tư vấn miễn phí cho 432 hộ nghèo, bào chữa 59 vụ việc. Chương trình tín dụng ưu đãi giải ngân 1.933 tỉ đồng cho 33.716 lượt hộ vay, tỉ lệ nợ quá hạn chỉ 0,55%.
Ngoài ra, chương trình nước sạch hỗ trợ 86.034 lượt hộ, chương trình nhà ở đã xây mới, sửa chữa 2.733 căn nhà tình thương, tình nghĩa với 133,178 tỉ đồng. Công tác đào tạo nghề - giải quyết việc làm giúp 18.189 lao động hộ nghèo có việc trong nước, 19 lao động làm việc ở nước ngoài.
Riêng năm 2024, TP HCM giúp 7.016 hộ thoát nghèo, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo 0,28% trên tổng số hộ dân, vượt 133,3% so với kế hoạch đề ra và gấp hơn hai lần chỉ tiêu đăng ký với Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành phố cũng giảm 9.889 hộ cận nghèo, đạt tỉ lệ 0,39%, cao hơn 169,6% so với kế hoạch năm.
Thước đo đặc biệt
Một trong những thành công lớn của chương trình giảm nghèo TP HCM là sự lồng ghép những chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế. Thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp cùng tham gia, nhất là nỗ lực tự vươn lên của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với nhiều mô hình hiệu quả, TP HCM về đích sớm 2 năm so với mục tiêu, giúp người dân thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước thời hạn 2 năm đã được công nhận và đánh giá cao, đồng thời chương trình giảm nghèo được vinh danh là 1 trong 50 sự kiện tiêu biểu của TP HCM nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều này phản ánh ý nghĩa nhân văn sâu sắc cũng như sự chung tay của toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo.
Trong Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững TP HCM giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh hành trình hơn 30 năm đồng hành cùng nhân dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo mang tới những bước tiến tích cực.
Với sự hỗ trợ từ tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm, chương trình về đích sớm 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra, trở thành thành tích đáng ghi nhận của các cơ quan liên ngành và cán bộ trực tiếp tham gia công tác giảm nghèo tại địa phương. "Thành công của chương trình không chỉ đo bằng những con số mà bằng sự thay đổi thực sự trong đời sống của người dân" - bà Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết của Quốc hội và HĐND TP HCM, từ ngày 1-3-2025, công tác giảm nghèo chuyển giao về UBND thành phố và các địa phương trực tiếp quản lý. Đây là bước ngoặt quan trọng nhằm phát huy hiệu quả chương trình, tạo nền tảng vững chắc để triển khai giai đoạn giảm nghèo tiếp theo.
Đồng hành, tạo sinh kế
Hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP HCM hằng năm đều tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ đó triển khai giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Trong đó, từ năm 2021, chương trình văn nghệ "Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương" đã trở thành điểm nhấn, giúp vận động Quỹ "Vì người nghèo" toàn thành phố tiếp nhận hơn 890 tỉ đồng. Hơn 873 tỉ đồng trong số này được chi để chăm lo đời sống người dân, xây dựng 1.055 căn nhà tình nghĩa, tình thương.
Hệ thống MTTQ các cấp cũng chủ động khảo sát nhu cầu lao động, việc làm của các hộ khó khăn để từ kết quả khảo sát trao tặng hơn 1.700 phương tiện sinh kế với tổng kinh phí hơn 12 tỉ đồng, giúp nhiều gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Quận 8 trao tặng phương tiện sinh kế cho người dân tại chương trình “Ngày cùng hành động vì cộng đồng”. Ảnh: LÊ VĨNH
Hưởng ứng phong trào "xóa nhà tạm, nhà dột nát" do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, TP HCM đã tiến hành khảo sát và ghi nhận 323 căn nhà của các hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu sửa chữa. MTTQ TP HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM vận động các ngân hàng trên địa bàn đóng góp hơn 25 tỉ đồng. Đến tháng 1-2025, 179 căn được khởi công và đưa vào sử dụng, 144 căn còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 30-4-2025.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-4