Định vị đô thị nghĩa tình (*): Không chỉ là thương hiệu
Giá trị 'nghĩa tình' không chỉ là một thương hiệu mà còn là hơi thở, nhịp sống của TP HCM...
Trong suốt 50 năm qua, TP HCM thực hiện nhiều chính sách lớn chăm lo cho người dân. Báo Người Lao Động có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, về nội dung này.
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật TP HCM đạt được trong thực hiện các chính sách lớn về an sinh xã hội?
- Ông PHẠM MINH TUẤN, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM: Quá trình phát triển, TP HCM tiên phong hàng loạt chính sách an sinh xã hội mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế.

Ông Phạm Minh Tuấn trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn
Thông qua vai trò đoàn kết, tập hợp của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tại TP HCM hình thành những phong trào rộng lớn của quần chúng. Những phong trào ấy không chỉ lan tỏa sâu rộng trên địa bàn mà còn trở thành tài sản chung của nhân dân cả nước.
Năm 1992, thành phố là địa phương khởi xướng chương trình "Xóa đói giảm nghèo". Năm 1989, thành phố phát động phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" mà trọng tâm là phong trào "Xây dựng nhà tình nghĩa". Thành phố cũng là địa phương đầu tiên phát động phong trào "Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc", nay là cuộc vận động "Vì biển, đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc".
TP HCM còn là địa phương đi đầu trong miễn học phí mầm non, tiểu học, THCS và từ năm học 2025 - 2026, trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THPT sẽ được miễn học phí. Quỹ Vì người nghèo toàn thành phố đã chăm lo hơn 3.302 tỉ đồng với các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội như xây dựng, sửa chữa nhà, trao tặng phương tiện sinh kế, học bổng, trao tặng thẻ BHYT, trợ cấp khó khăn đột xuất. Đến cuối năm 2024, TP HCM đã cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố.
Ngoài ra, trong nhiều năm thành phố dành nguồn ngân sách chi hỗ trợ hộ cận nghèo bảo đảm 100% có BHYT… Những chính sách chăm lo chỉ riêng có của thành phố là minh chứng sống động cho tinh thần "nghĩa tình", để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chính từ những phong trào, cuộc vận động này kết hợp với nền tảng truyền thống sẵn có trong mỗi người dân thành phố đã dần tạo nên thói quen, tư duy, hành động nhân ái, nghĩa tình.

Siêu thị mini 0 đồng tại TP HCM phục vụ người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP HCM rút ra những kinh nghiệm gì trong quá trình thực hiện những chính sách lớn trên? Những bài học này được vận dụng ra sao trong bối cảnh mới, thưa ông?
- Tinh thần "nghĩa tình" luôn được người dân, các cấp lãnh đạo và chính quyền thành phố hun đúc, giữ gìn, phát huy và MTTQ các cấp là nòng cốt hiện thực hóa tinh thần ấy. TP HCM luôn đặt người dân làm trung tâm trong xây dựng, triển khai, đánh giá chính sách cũng như mạnh dạn thử nghiệm, tiên phong mô hình mới. Chính sự linh hoạt, năng động tạo nên đột phá, góp phần định hình nhiều chính sách xã hội trên phạm vi cả nước.
Mọi chương trình, chính sách hỗ trợ của thành phố đều xác định chọn nhân dân làm trung tâm, chủ thể hành động và chủ thể thụ hưởng. Khi người dân cảm nhận được giá trị ấy thì mọi vấn đề, kể cả giảm nghèo, mới đi đến bền vững.
Trong những năm qua, nhiều người dân ở mọi miền Tổ quốc chọn TP HCM là nơi học tập, sinh sống và làm việc, do đó, tốc độ dịch chuyển dân số cơ học là rất lớn. Với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau" thì đây là áp lực đáng kể phải giải quyết và đang giải quyết. Các phương thức để chăm lo cho người dân cũng đòi hỏi minh bạch, đúng diện. Công tác chăm lo phải đúng nhu cầu, phải tạo ra sinh kế bền vững, "trao cần câu chứ không phải trao con cá".
Ủy ban MTTQ TP HCM đóng vai trò như thế nào trong việc triển khai và giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố, thưa ông?
- Hệ thống MTTQ các cấp tại TP HCM đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động an sinh xã hội, góp phần bảo đảm chính sách được thực hiện minh bạch, hiệu quả và đúng đối tượng. Vai trò này thể hiện qua nhiều khía cạnh. Cụ thể như phối hợp các tổ chức thành viên thực thi chính sách và kết nối phát huy mọi nguồn lực để tối ưu nhất những chương trình an sinh xã hội; cầu nối giữa chính quyền và nhân dân; tổ chức và giám sát các chương trình vận động xã hội; bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nguồn lực.
MTTQ không chỉ giám sát mà còn khuyến khích người dân tham gia xây dựng và thực hiện nhiều chính sách… Nhờ vậy, các chương trình an sinh xã hội tại thành phố không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách mà còn góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, nhân ái và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh cùng cả nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), TP HCM cần làm gì để tiếp tục phát huy thương hiệu "nghĩa tình"?
- "Nghĩa tình" từ lâu trở thành nét đẹp, mệnh lệnh từ trái tim mỗi người dân thành phố. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi cho rằng MTTQ các cấp tại TP HCM tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, lan tỏa tinh thần "nghĩa tình" qua những hành động thiết thực, ý nghĩa, để TP HCM mãi là biểu tượng của tình người và sự sẻ chia.
Để TP HCM cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trước hết, MTTQ các cấp cần phối hợp với chính quyền đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển của thành phố, để tinh thần "nghĩa tình" thực sự chạm đến từng mái ấm, từng gia đình.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội và xóa nhà ven kênh rạch với mục tiêu cải thiện điều kiện sống cho hàng ngàn hộ dân. MTTQ các cấp sẽ tiếp tục vận động người dân và doanh nghiệp tham gia đóng góp, hỗ trợ gia đình khó khăn có chỗ ở ổn định, để mỗi mái nhà mới là câu chuyện về sự đùm bọc, sẻ chia, là minh chứng sống động cho tinh thần "nghĩa tình".
Thứ hai, tinh thần "nghĩa tình" của TP HCM cần được thể hiện qua hoạt động tri ân, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. MTTQ các cấp dự kiến phối hợp tổ chức các chương trình thăm hỏi, tặng quà cho gia đình liệt sĩ, thương binh và người có công, đồng thời hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình chính sách còn khó khăn. Đó cũng chính là cách để chúng ta khơi dậy tinh thần "nghĩa tình", tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Cuối cùng, MTTQ các cấp cần lan tỏa tinh thần "nghĩa tình" thông qua các phong trào thi đua và hoạt động cộng đồng, để giá trị này không chỉ là một thương hiệu mà còn là hơi thở, là nhịp sống của TP HCM.
Theo thông tin từ Cổng thông tin TP HCM, thành phố sẽ phối hợp tổ chức lễ phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia năm 2025, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động thiện nguyện. MTTQ các cấp sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các ngày hội "Toàn dân đoàn kết", chương trình như "Phiên chợ Việt nghĩa tình", "Tháng cao điểm vì người nghèo", "Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương"…
Tôi tin rằng với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của MTTQ các cấp và người dân, tinh thần "nghĩa tình" của TP HCM sẽ tiếp tục tỏa sáng. Thành phố mãi là thành phố của tình người, của sự sẻ chia, của những giá trị nhân văn cao đẹp.
Vì cả nước, cùng cả nước
Ông Phạm Minh Tuấn khẳng định của cho không bằng cách cho. Cách mà người dân thể hiện luôn nhẹ nhàng, tình cảm, không khoa trương, có khi người nhận không biết người cho. Từ đó, yếu tố mặc cảm được xóa mờ, nghĩa tình thêm đậm sâu...
Không chỉ chăm lo cho người dân trong thành phố, TP HCM còn vì cả nước, cùng cả nước, luôn sẵn sàng đùm bọc, chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn ở khắp các tỉnh, thành. Những công trình nước ngọt vùng biên, những mái ấm đoàn kết, những cây cầu tình nghĩa... luôn có dấu ấn của TP HCM.
Những biểu hiện sinh động trong đời sống được nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ đưa vào trong các ca khúc, tác phẩm như bình trà đá được đặt trên vỉa hè để người lao động dùng khi nắng nóng; tủ bánh mì 0 đồng, tiệm quần áo 0 đồng... là minh chứng cho thấy nhắc tới TP HCM là nhắc tới đô thị nghĩa tình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-4