Định hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cơ sở giáo dục đại học

Ngành Giáo dục đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% sinh viên có năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng cho học tập, nghiên cứu và ứng dụng AI vào lĩnh vực chuyên môn; 70% sinh viên có khả năng sử dụng AI để nghiên cứu, làm đồ án hoặc phát triển sản phẩm đổi mới sáng tạo; 50% sinh viên có cơ hội tham gia các dự án AI thực tế trong doanh nghiệp hoặc nghiên cứu khoa học.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, ứng dụng AI trong giáo dục là xu hướng tất yếu, góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Năng lực AI của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và người học là yếu tố quyết định đến sự thành công của ứng dụng AI trong ngành Giáo dục; Nhà giáo phải thường xuyên, liên tục cập nhật, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá để thích ứng với việc ứng dụng AI của người học.

Phenikka-X cung cấp giải pháp robot tự động hóa thông minh cho Nhà máy Samsung.

Phenikka-X cung cấp giải pháp robot tự động hóa thông minh cho Nhà máy Samsung.

Ứng dụng AI trong đào tạo, nghiên cứu và quản lý

Tại trường Đại học Phenikaa, AI không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược phát triển của trường. Phenikaa đã thành lập Công ty Phenikaa Smart School nhằm chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục. Các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) được phát triển và triển khai rộng rãi, giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận tài liệu học tập một cách dễ dàng, đồng thời tối ưu hóa công tác giảng dạy. Hệ thống này sử dụng AI để theo dõi tiến độ học tập của sinh viên, đưa ra gợi ý cá nhân hóa nhằm cải thiện hiệu suất học tập. AI cũng hỗ trợ giảng viên đánh giá bài tập và kiểm tra, giúp nâng cao tính chính xác và tiết kiệm thời gian.

Trong khuôn viên trường, AI được ứng dụng vào hệ thống giám sát camera an ninh với công nghệ nhận diện khuôn mặt và biển số xe tự động, giúp kiểm soát ra vào một cách chính xác và hiệu quả. AI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa giúp tiết kiệm chi phí vận hành và giảm tác động môi trường.

Ngoài ra, AI còn được ứng dụng trong nghiên cứu khoa học tại Phenikaa. Các nhóm nghiên cứu đang phát triển các thuật toán AI để phân tích dữ liệu về y tế, dự báo xu hướng thị trường và tối ưu hóa quy trình sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp. Những thành tựu này không chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ mà còn được chuyển giao cho nhiều đối tác doanh nghiệp và tổ chức giáo dục khác.

Còn tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, hiện nay, với sự phát triển của các mô hình, công cụ sử dụng AI, trường đã tập trung nghiên cứu một số ứng dụng có tính thực tế cao như các hệ thống chatbot, chuyển đổi văn bản thành giọng nói và ngược lại, chuyển đổi văn bản từ định dạng ảnh sang văn bản, điểm danh sinh viên qua nhận dạng khuôn mặt…

Phát triển hệ sinh thái ứng dụng AI trong giáo dục

Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2030, ngành Giáo dục đặt mục tiêu 100% giảng viên có năng lực ứng dụng AI hỗ trợ nghiên cứu và giảng dạy trong các hoạt động chuyên môn; 60% giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu, ứng dụng AI vào các lĩnh vực liên ngành; 40% các cơ sở giáo dục đại học có trung tâm nghiên cứu AI hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu về AI. 100% cơ sở giáo dục ứng dụng AI trong quản lý đào tạo, tuyển sinh, đánh giá chất lượng, phân tích dữ liệu học tập và tư vấn hướng nghiệp, tâm lý cho sinh viên.

Để phát triển hệ sinh thái ứng dụng AI trong giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sơn Hải cho biết, cần lựa chọn, phổ biến, hướng dẫn sử dụng một số công cụ ứng dụng AI phù hợp trong giáo dục. Xây dựng nền tảng dữ liệu mở ngành Giáo dục (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học), đảm bảo tính chuẩn hóa và có khả năng tích hợp công nghệ AI nhằm phân tích và dự báo, hoạch định chính sách trong giáo dục, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái ứng dụng AI trong giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp trong nước), tổ chức phát triển các hệ thống AI hỗ trợ học tập như chatbot, ứng dụng gia sư, trợ giảng ảo, hệ thống gợi ý nội dung học tập, hệ thống đánh giá năng lực người học, hệ thống AI giám sát và chấm điểm tự động…

Đồng thời, rà soát nâng cao năng lực hạ tầng, kết nối Internet, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ dạy học, phần mềm ứng dụng Ai, phần mềm hỗ trợ dạy – học, phát triển các cơ sở dữ liệu giáo dục, kho học liệu phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng AI ở các cơ sở giáo dục.

Tuệ Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dinh-huong-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-co-so-giao-duc-dai-hoc-397317.html
Zalo