Định hướng phát triển du lịch An Giang

An Giang luôn thu hút du khách bởi sự độc đáo, hấp dẫn, những điểm du lịch (DL) khám phá thiên nhiên, di sản, không gian văn hóa và loại hình DL văn hóa, sinh thái, cộng đồng… Để 'ngành công nghiệp không khói' trở thành động lực cho phát triển kinh tế, tỉnh nỗ lực nâng tầm các loại hình DL đặc trưng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Con đường tơ lụa” Tri Tôn thu hút giới trẻ “check-in”

Con đường tơ lụa” Tri Tôn thu hút giới trẻ “check-in”

Những năm qua, DL An Giang có bước phát triển tích cực trong lĩnh vực hoạt động lưu trú DL, lữ hành, tham quan. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, năng lực phục vụ du khách ngày càng phát triển, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của ngành và nhu cầu của du khách. Cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho DL phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư vào loại hình dịch vụ phụ trợ, phát triển sản phẩm DL. Năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về DL được nâng lên rõ rệt. Hoạt động xúc tiến, quảng bá DL được quan tâm với nhiều hình thức phong phú. Nguồn nhân lực DL được cải thiện về số lượng và chất lượng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa phong phú, ẩm thực đa dạng, An Giang được xem là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Vùng đất này sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, đa dạng của cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Chăm và Hoa. Ngoài ra, An Giang còn có lợi thế về phát triển DL sinh thái đặc trưng (DL sông nước, DL nông nghiệp). Rừng tràm Trà Sư, chợ nổi Long Xuyên, làng Chăm, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng và các điểm tham quan thuộc dãy Thất Sơn là những điểm đến nổi tiếng của tỉnh, hấp dẫn du khách gần xa.

Năm 2024, An Giang đón khoảng 9,1 triệu lượt khách. Trong đó, lượt khách lưu trú của khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ đạt khoảng 750.000 lượt; khách quốc tế ước đạt 25.000 lượt; doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 10.250 tỷ đồng. Dù được đánh giá có tiềm năng về DL, song hiện tại hoạt động DL còn một số hạn chế: Hạ tầng giao thông kết nối địa điểm tham quan, DL chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Tổ chức quản lý khu, điểm DL thường xuyên chỉnh trang cơ sở vật chất, làm mới sản phẩm, dịch vụ, nhưng thiếu nguồn lực đầu tư khai thác và phát triển thành sản phẩm DL chất lượng, hấp dẫn khách. Lượng khách lưu trú còn ít, nên hiệu quả kinh doanh chưa cao.

Đầu năm 2025, DL An Giang đón nhiều dấu hiệu tích cực, khi lượng khách đến tham quan tăng so cùng kỳ. Chị Đào Thu Thanh Thảo (du khách tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Dịp Tết, tôi cùng gia đình đi cúng Bà Chúa Xứ núi Sam và tham quan một số điểm DL trong tỉnh. Sau nhiều năm quay lại, tôi thấy khu, điểm DL, địa điểm tham quan chủ động đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường khá tốt. Dù tình hình chèo kéo vẫn còn xảy ra, nhưng đã giảm đáng kể”. Anh Lê Phú Thuận (du khách tỉnh Đồng Nai) nhận định: “An Giang có nhiều điểm DL tâm linh, DL sinh thái rất độc đáo, đặc trưng. Tôi rất thích DL đến An Giang, nhất là được tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, được ăn rất nhiều món ngon. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có nhiều chỗ lưu trú chất lượng cao, khu điểm vui chơi lớn, để giữ chân mọi người ở lại lâu hơn”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, để DL trở thành ngành động lực, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai chương trình, kế hoạch tạo đột phá, nhất là hoạt động truyền thông, quảng bá DL An Giang. Tỉnh không ngừng nâng chất, làm mới sản phẩm DL hiện có, khai thác, phát triển sản phẩm DL đặc trưng, tiềm năng, phù hợp thế mạnh địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực DL; tuyên truyền, truyền thông, quảng bá DL An Giang đa dạng về nội dung lẫn hình thức; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.

Tỉnh sẽ quan tâm phát triển sản phẩm DL mới trên cơ sở khai thác tài nguyên, gắn kết sản phẩm liên ngành, hình thành sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm, tạo giá trị gia tăng cho ngành DL; nâng cao chất lượng loại hình DL gắn với lễ hội văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư tuyến giao thông kết nối khu, điểm DL trong tỉnh với nhau, kết nối với các địa phương trong vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội...

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh: “Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để mời gọi doanh nghiệp đầu tư khu, điểm DL, khách sạn, resort chất lượng cao, phù hợp với quy hoạch của tỉnh và đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, mời gọi nhà đầu tư chiến lược về điểm DL lớn, tạo điểm nhấn cho DL tỉnh nhà”.

Năm 2025, An Giang phấn đấu đón 10 triệu lượt khách. Trong đó, lượt khách lưu trú của khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 870.000 lượt, 27.000 lượt khách quốc tế lưu trú; doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 10.800 tỷ đồng.

-TRUNG HIẾU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dinh-huong-phat-trien-du-lich-an-giang-a414958.html
Zalo