Định hướng phát triển dài hạn với thương mại điện tử xuyên biên giới của doanh nghiệp Việt Nam

Tiếp nối các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới 2024, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong có những chia sẻ về cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019-2023

Theo Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong, sự gia tăng không ngừng của các đối tác bán hàng Việt trên thị trường toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Amazon, không chỉ nằm ở quy mô mà còn là sự đa dạng danh mục sản phẩm và thương hiệu ở nhiều ngành hàng.

Dữ liệu của Amazon trong 5 năm (2019-2023) cho thấy, số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%, số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần.

Số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300% trong 5 năm qua

Số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300% trong 5 năm qua

5 danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon gồm Sức khỏe & Chăm sóc cá nhân, Nhà cửa, Nhà bếp, May mặc và Làm đẹp.

Trước đây, các nhà bán hàng chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đơn giản, tạo ra lợi nhuận nhanh chóng, hướng đến lợi ích ngắn hạn. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đang dần hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn, không chỉ gia tăng doanh thu mà còn nâng cao chất lượng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng sang nhiều ngành hàng. Điều này mở ra nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam với thương mại điện tử xuyên biên giới.

Việt Nam có nhiều lợi thế trong xuất khẩu với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các sáng kiến, chính sách của Chính phủ, cùng với kinh nghiệm nhiều năm của các nhà máy, nhà cung cấp và cộng đồng các doanh nhân trẻ thành công không chỉ trên Amazon mà còn trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau.

Ngành sản xuất của Việt Nam cũng thu hút sự đầu tư lớn khi nhiều thương hiệu quốc tế chuyển nhà máy đến đây, thúc đẩy sản lượng xuất khẩu, góp phần củng cố chuỗi cung ứng và gia tăng năng lực sản xuất trong nước. Năng lực sản xuất cũng đang dần được mở rộng sang các doanh nghiệp nhỏ hơn, đóng góp tích cực vào sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trước tiên là quyết định sản phẩm để bán, đòi hỏi các nhà bán hàng có sự thấu hiểu nhu cầu thị trường và nắm bắt các quy định của thị trường và sự tuân thủ về sản phẩm, từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt về sản phẩm để bán ra thị trường.

Trong quá trình phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải rất linh hoạt để có thể phản ánh nhu cầu của khách hàng trong sản phẩm của mình; liên tục, linh hoạt và nhanh chóng đọc vị, đáp ứng những thị hiếu mới nhất của thị trường. Đây là một thách thức lớn đối với nhiều người bán chưa quen với tốc độ của thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng và thương mại điện tử toàn cầu nói chung.

Thách thức lớn thứ hai là chi phí. Bán sản phẩm từ Việt Nam sang Mỹ đòi hỏi rất nhiều chi phí, đặc biệt về logistics, vận chuyển đầu vào (inbound shipping) và quản lý tồn kho. Các doanh nghiệp cần tìm cách áp dụng những công cụ và chương trình này vào quy trình sản xuất để tối ưu hóa lợi ích sản xuất, đàm phán với nhà cung cấp, và thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp, từ đó cải thiện cấu trúc chi phí và vượt qua thách thức này một cách hiệu quả.

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới

Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chỉ ra rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ là vô cùng cần thiết. Hiện nay, Amazon Global Selling Việt Nam đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ để truyền tải những thông điệp, góc nhìn cụ thể, chính xác nhất về mô hình kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc kết nối Chính phủ với các nhà bán hàng giúp các Bộ, Ban, ngành nắm bắt các khó khăn thực tế của các doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ công tác xây dựng và hoạch định chính sách hiệu quả hơn.

 Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong chỉ ra rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ là vô cùng cần thiết

Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong chỉ ra rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ là vô cùng cần thiết

Amazon Global Selling Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với các cơ quan Chính phủ để cung cấp nhiều cơ hội đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Cụ thể, Amazon Global Selling và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), Bộ Công Thương đã hợp tác tổ chức Chương trình "Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá" với mục đích đào tạo 10.000 nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới; triển khai sáng kiến "Liên kết Ngành nghề", phối hợp với các hiệp hội ngành nghề quan trọng, để cùng nhau thúc đẩy, tăng cường năng lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho các ngành hàng chủ lực này.

Ngày nay, thị trường vận hành dựa trên nhu cầu hơn là nguồn cung. Với nguồn sản phẩm phong phú, việc thấu hiểu khách hàng mục tiêu và nhu cầu của họ là rất quan trọng. Một sản phẩm đại trà, cơ bản có thể thu hút nhiều người nhưng rốt cuộc lại không làm hài lòng bất kỳ ai. Vì vậy, để xây dựng một thương hiệu thành công, cần xác định rõ khách hàng mục tiêu và giải quyết được các vấn đề cụ thể của họ. Bằng cách kết hợp sự hiểu biết về thị trường mục tiêu cùng với lợi thế bán hàng (unique-selling-point), các doanh nghiệp có thể thiết lập được bản sắc thương hiệu riêng biệt.

Nếu sự thành công ban đầu của nhà bán hàng là nhờ vào sự am hiểu về các nền tảng trực tuyến, họ sẽ sớm đối mặt với sự cạnh tranh từ các sản phẩm tương tự và có khả năng mất thị phần nếu không có yếu tố khác biệt. Do đó, xây dựng thương hiệu là điều cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Phát triển thương mại điện tử bền vững và thông minh

3 Trọng tâm chiến lược của Amazon Global Selling đưa ra để giúp thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam tăng trưởng bền vững

3 Trọng tâm chiến lược của Amazon Global Selling đưa ra để giúp thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam tăng trưởng bền vững

Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng và là mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Amazon đang tích cực tham gia vào nhiều sáng kiến đa dạng nhằm thúc đẩy mục tiêu này.

Sáng kiến đầu tiên là chương trình Vận chuyển trong bao bì sản phẩm (SIPP), trước đây gọi là Vận chuyển trong bao bì riêng (SIOC). Chương trình cho phép nhà bán hàng vận chuyển sản phẩm bằng bao bì thương hiệu riêng của mình mà không cần Amazon bổ sung thêm vật liệu, giúp nhà bán tùy chỉnh các yếu tố thương hiệu và bao bì để khách hàng thấy thương hiệu của mình trong quá trình giao hàng.

Với ít bao bì đóng gói hơn, nhà bán hàng sử dụng ít không gian hơn trên xe tải, giúp giảm số lượng xe tải cần dùng và giảm tổng lượng carbon phát thải.

Sáng kiến thứ hai là sử dụng huy hiệu Cam kết Thân thiện với Khí hậu (Climate Plegde Friendly) nhằm nhận diện các sản phẩm đáp ứng các chứng nhận bền vững nhất định. Amazon hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau để đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, từ nguồn nguyên liệu thô đầu vào đến quy trình sản xuất. Các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí trên sẽ được gắn nhãn rõ ràng trên các gian hàng Amazon, giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Amazon hiện đang tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển và triển khai AI cũng như học máy (machine learning) nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên Amazon, hỗ trợ sự thành công của nhà bán hàng, tối đa hóa năng suất và hỗ trợ một số vấn đề về con người. Các công cụ AI tạo sinh (generative AI) được giới thiệu gần giúp đăng tải sản phẩm và video thân thiện với người dùng mà không đòi hỏi kiến thức kỹ thuật chuyên sâu.

Bên cạnh các công cụ hỗ trợ đăng tải sản phẩm (AI listings), dự án mới đang được thử nghiệm có tên Project Amelia, được công bố tại Mỹ vào tháng 9 với kỳ vọng phục vụ không chỉ người bán hàng tại Mỹ mà còn trên toàn cầu trong thời gian tới.

Amazon Global Selling là chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp từ mọi nơi trên thế giới phát triển kinh doanh trên quy mô toàn cầu, tiếp cận khách hàng của Amazon trên khắp thế giới và xây dựng thương hiệu quốc tế. Thông qua việc bán hàng trên Amazon, đối tác bán hàng với các loại hình và quy mô kinh doanh khác nhau có thể tiếp cận hàng trăm triệu tài khoản khách hàng trên toàn cầu của Amazon, bao gồm hơn 200 triệu khách hàng Prime; và hơn năm triệu khách hàng doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Tiến Thành

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dinh-huong-phat-trien-dai-han-voi-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-cua-doanh-nghiep-viet-nam-129326.htm
Zalo