Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), ngày 1/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo: 'Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình'.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn/TTXVN phát

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn/TTXVN phát

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định: Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, nhất là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương là giải pháp giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm. Người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.

Không đứng ngoài xu thế đó, tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số tại Bộ, cũng như triển khai các nội dung của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu đúng - đủ - sạch - sống.

“Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các vận động viên; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết.

Thời gian qua, việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được các kết quả tích cực như: Nhận thức và hành động về triển khai chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng. Nguồn lực dành cho chuyển đổi số, dữ liệu số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo đã tăng hằng năm…

Đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn/TTXVN phát

Đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn/TTXVN phát

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng như đất đai. Ngành nào có nhiều dữ liệu thì ngành đó sẽ có nhiều nguồn tài nguyên mới. Nhưng khác với đất đai hữu hạn, dữ liệu là vô hạn và càng ngày sẽ càng tăng lên. Việc xây dựng và phát triển dữ liệu là tạo ra được nguồn tài nguyên mới và tư liệu sản xuất mới.

Theo ông Phạm Đức Long, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thực hiện một số nhiệm vụ về xây dựng cơ sở dữ liệu; trong đó, cơ sở dữ liệu của Bộ phải nằm trong khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0 để đảm bảo kết nối, liên thông dữ liệu. Bộ cũng cần xây dựng hệ tri thức trợ lý ảo để hỗ trợ công việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Về việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hội thảo đã nghe nhiều các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, những thông tin mới nhất về triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi số, triển khai tạo lập dữ liệu số tại cơ quan, đơn vị mình…

Thời gian tới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tập trung hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành; trong đó, Bộ tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng an toàn thông tin và công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các dự án, kế hoạch như: Kế hoạch duy trì vận hành môi trường đáp ứng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong năm 2024 phục vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tiến tới năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành 2 dự án, đó là: Dự án nền tảng tích hợp, xử lý dữ liệu trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch và Dự án xây dựng nền tảng, cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phương Lan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/dinh-huong-phat-trien-co-so-du-lieu-nganh-van-hoa-the-thao-du-lich-va-gia-dinh-20241001213418954.htm
Zalo