Định hướng nghề nghiệp cho con em dân tộc thiểu số
Những năm qua, công tác tư vấn, hướng nghiệp không chỉ giúp các em lựa chọn ngành nghề theo khả năng, sở thích bản thân. Vì vậy, việc hướng nghề, hướng nghiệp trong các cấp, các ngành, trường học luôn được quan tâm, đẩy mạnh. Qua đó trang bị thêm cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn khi chọn lựa nghề, ngành học, phục vụ cho công việc tương lai.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS (PT DTNT THCS) huyện Thanh Sơn với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú; đảm bảo các điều kiện để học sinh dân tộc nội trú được học tập, ăn, ở và sinh hoạt an toàn tại trường. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với học sinh dân tộc nội trú. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã chú trọng giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề truyền thống phù hợp với năng lực của học sinh, điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cô giáo Đinh Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là trường chuyên biệt dành con em dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, mỗi giáo viên luôn cố gắng tìm cho mình một phương pháp dạy học phù hợp, khơi dậy cảm hứng và tinh thần học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và khẳng định vị trí của nhà trường trong công tác giáo dục dân tộc.
BOX: Năm học 2023-2024, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường được nâng cao, nhà trường đạt được tổng số 41 giải HSG, HSNK cấp huyện cấp tỉnh và 30 giải trong các hội thi, cuộc thi như: Sáng tạo KHKT; Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng; Câu lạc bộ Tiếng anh; Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, cấp tỉnh...
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) và 13 Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) với hàng nghìn học sinh. Thời gian qua, nhờ được chú trọng công tác hướng nghiệp nên đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của học sinh về nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, nhiều học sinh người dân tộc thiểu số đã chọn được ngành học phù hợp, ra trường tìm được việc làm ổn định. Có được kết quả này phần lớn nhờ vào quá trình hướng nghiệp kịp thời, phù hợp của các trường phổ thông trên địa bàn ở các xã miền núi.
Việc thực hiện các chế độ, chính sách cho con em vùng dân tộc thiểu số được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Những năm qua, ngành Giáo dục đã phối hợp với các sở, ngành tích cực tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành kịp thời một số chủ trương chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực tập trung phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng.
Hàng năm, Sở GD&ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch công tác trọng tâm của ngành, triển khai tới 100% các cơ sở giáo dục nói chung và vùng DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Chất lượng giáo dục ở các ngành học, cấp học ổn định và tiến bộ (đặc biệt là học sinh DTTS đã có chuyển biến rõ nét tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng mạnh, tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh lưu ban, bỏ học giảm. Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và khó khăn được thu hẹp đáng kể. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày một tăng.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT cũng được chú trọng ở trong và ngoài nhà trường với nhiều hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp để phụ huynh và học sinh nhận thức rõ hơn về sự cần thiết của đào tạo nghề, phân luồng cho học sinh, giúp học sinh vùng dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp THCS, THPT có thể lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực học tập, sở trường cá nhân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, địa phương sau đào tạo. Kết quả, bình quân hằng năm có khoảng trên 35% học sinh DTTS tham gia học nghề, tham gia vào lao động sản xuất tại địa phương và xuất khẩu lao động...
Để định hướng nghề nghiệp cho con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục liên kết với các trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng, trung cấp nghề, các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp... tổ chức tư vấn nghề, công tác tuyển sinh giúp cho học sinh hiểu rõ năng lực bản thân, điều kiện gia đình và biết cụ thể hơn về các nghề nghiệp trong việc lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần thực hiện tốt công tác tham mưu, công tác XHH giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác dạy và học và công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT.
Thông qua các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã từng bước nâng cao chất lượng lao động, phát huy nguồn nhân lực của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.