Định hướng nào cho phát triển hạ tầng thương mại vùng trung du miền núi phía Bắc?
Phát triển thương mại vùng trung du miền núi phía Bắc, trong đó phát triển hạ tầng thương mại là yếu tố quan trọng có ý nghĩa nền tảng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.
Vùng trung du miền núi (TDMN) phía Bắc còn không ít hạn chế, yếu kém. Tiềm năng, lợi thế của Vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Đây vẫn "vùng trũng" trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Phát triển thương mại Vùng, trong đó phát triển hạ tầng thương mại là yếu tố quan trọng có ý nghĩa nền tảng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Thương mại phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhằm trao đổi rõ hơn về vấn đề này, phóng viên BNEWS/TTXVN có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương.
Phóng viên: Xin ông cho biết những định hướng phát triển mạng lưới chợ tại khu vực TDMN phía Bắc?.
TS. Nguyễn Văn Hội: Trước hết cần phát triển đồng bộ mạng lưới chợ trên địa bàn Vùng với quy mô, cơ cấu, tính chất và công năng phù hợp với nhu cầu lưu thông hàng hóa và thị trường từng tỉnh trong Vùng. Trong đó, chú trọng phát triển mạng lưới chợ cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm cho thị trường khu vực đô thị và mạng lưới chợ cung ứng hàng công nghiệp tiêu dùng thông thường cho thị trường nông thôn.
Bên cạnh đó cần định hướng phát triển các chợ đầu mối nông sản mới, hoặc nâng cấp, phát triển từ các chợ hiện có để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho các thành phố lớn và các khu công nghiệp; chuyển đổi một số chợ hạng I, hạng II tại các trung tâm đô thị lớn thành loại hình hạ tầng thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị; tập trung nâng cấp hệ thống chợ hiện có đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao trình độ văn minh thương mại; phát triển chợ tại các trung tâm cụm xã chưa có chợ, các điểm dân cư nông thôn mới được hình thành do di dân từ các khu vực xây dựng khu công nghiệp.
Thứ hai, cần định hướng phát triển siêu thị, trung tâm thương mại với nhiều cấp độ quy mô và loại hình phù hợp với các cấp đô thị; đến năm 2030, chủ yếu phát triển siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị trung tâm tỉnh trong Vùng. Đẩy mạnh phát triển mới các loại hình các siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới.
Thứ ba, cần định hướng phát triển trung tâm logistics. Phát triển các trung tâm logistics trở thành các trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả Vùng theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại; gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khác của các tỉnh trong Vùng.
Thứ tư, định hướng phát triển trung tâm hội chợ triển lãm. Trong khu vực cần phát triển trung tâm hội chợ triển lãm có quy mô vừa (Nhóm B), phục vụ cho việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ thương mại và triển lãm, giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế - kỹ thuật của ngành sản xuất chính trong Vùng; ưu tiên phát triển trung tâm hội chợ triển lãm tại các đô thị trung tâm các tỉnh trên các trục thương mại chính của Vùng.
Thứ năm, định hướng phát triển trung tâm thông tin, xúc tiến thương mại. Phát triển trung tâm thông tin, xúc tiến thương mại gắn với các trung tâm hội chợ triển lãm; kết nối với Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp của Bộ Công Thương để chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng các Trung tâm thông tin, xúc tiến thương mại độc lập, hoạt động theo mô hình đơn vụ sự nghiệp công lập tại các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn (theo QĐ 9527/QĐ-BCT ngày 16/12/2013 của Bộ Công Thương).
Thứ sáu, định hướng phát triển hệ thống kho hàng hóa cửa khẩu biên giới. Phát triển hệ thống kho bãi trở thành một trong các cơ sở hạ tầng thương mại nòng cốt phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu. Phát triển hệ thống kho bãi đồng bộ về mọi mặt: giữa kho với bãi; giữa kho thông thường với kho chuyên dụng; giữa cung cấp công suất/sức chứa kho bãi với cung cấp các dịch vụ logistics gắn với kho bãi; giữa phát triển kho bãi với nâng cao trình độ quản trị điều hành của doanh nghiệp kinh doanh khai thác kho bãi theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.
PV: Theo ông để thực hiện theo các định hướng trên về phía Nhà nước cần thực hiện các giải pháp gì thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Hội: Để thực hiện các định hướng trên, theo tôi, về phía Nhà nước trước hết cần hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết Vùng. Hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch các địa phương trong Vùng trung du và miền núi phía Bắc (Quy hoạch tỉnh), bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, trong đó: Phát triển hệ thống đô thị trong Vùng kết nối nội Vùng và với các đô thị lớn Vùng đồng bằng sông Hồng, các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị Vùng gắn với các đô thị Vùng biên giới; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của Vùng như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn; phát triển các hành lang kinh tế gắn với thành phố Hà Nội và Vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng, Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang, Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng; hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của Vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với Vùng Thủ đô; hình thành các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng như trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên và Bắc Giang, trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La, trung tâm sản xuất và chế biến gỗ tại Tuyên Quang, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai.
Nhà nước cần chú ý, quan tâm về chính sách phát triển hạ tầng thương mại như: Rà soát tổng thể và đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, đồng bộ, phù hợp với các luật chuyên ngành và phù hợp với cam kết quốc tế; Hoàn thiện, bổ sung các chính sách về đầu tư công trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại; bố trí, phân bổ nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại theo đúng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn 5 năm;
Bên cạnh đó cần rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư để phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, hiện đại; đồng thời nghiên cứu các chính sách hỗ trợ ngân sách nhà nước đối với các loại hình hạ tầng thương mại tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không có điều kiện để thực hiện xã hội hóa.
Quan trọng là cần triển khai hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Việc phát triển hạ tầng thương mại khu vực này cũng phụ thuộc rất lớn vào vai trò của các địa phương trong vùng. Theo ông, các địa phương cần thực hiện các giải pháp gì?:
TS. Nguyễn Văn Hội: Ngoài các chính sách thu hút đầu tư của Trung ương, các địa phương trong Vùng cần có những chính sách riêng, đặc thù nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng thương mại lớn. Các địa phương cân đối nguồn ngân sách hàng năm để có cơ chế ưu đãi thông qua các hình thức như: hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, tích cực chuẩn bị đầu tư theo những dự án hạ tầng thương mại lớn, cụ thể. Nguồn vốn này có thể hình thành từ việc trích lập một phần ngân sách tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình mang tính trọng điểm của địa phương, hỗ trợ các chủ thể đầu tư trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đảm bảo cho hoạt động của các dự án. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
Các địa phương cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối mở rộng hệ thống điểm bán hàng trên địa bàn Vùng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, hoặc chuỗi cửa hàng chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại khu vực các khu công nghiệp để thay thế và tiến tới xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát.
Ngoài ra cần tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho các thương nhân, nhà phân phối hàng hóa kinh doanh trong các loại hình hạ tầng thương mại, chuyển giao kiến thức, công nghệ phân phối hàng hóa hiện đại.
PV: Còn đối với khu vực doanh nghiệp thì sao thưa ông?
TS Nguyễn Văn Hội: Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại được hưởng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành; Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong Vùng phát triển các mối liên kết dọc, liên kết ngang với nhau và với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm củng cố và mở rộng các hoạt động thương mại; khuyến khích phát triển Hợp tác xã thương mại – dịch vụ và áp dụng chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã tại các địa bàn mà mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Bản thân các doanh nghiệp cần thực hiện quá trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang cung cấp mặt bằng bán lẻ. Đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).