Định Hóa dồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Định Hóa có mưa rất to, gây lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề. Ngay sau mưa lũ, các địa phương, cơ quan chức năng của huyện đã tích cực hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống.

Mưa lũ đã khiến Quốc lộ 3C, đoạn qua địa bàn huyện Định Hóa có hơn 50 điểm bị sạt lở. Trong ảnh: Cơ quan chức năng xử lý sạt lở trên Quốc lộ 3C để người dân đi lại thuận tiện.

Mưa lũ đã khiến Quốc lộ 3C, đoạn qua địa bàn huyện Định Hóa có hơn 50 điểm bị sạt lở. Trong ảnh: Cơ quan chức năng xử lý sạt lở trên Quốc lộ 3C để người dân đi lại thuận tiện.

Từ ngày 7 đến 11-9, trên địa bàn huyện Định Hóa có mưa rất to kéo dài, kèm theo dông lốc, gây thiệt hại đối với nhiều công trình của Nhà nước cùng nhà cửa, cây cối hoa màu, gia súc, gia cầm của nhân dân. Tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn đều bị sạt lở, nước sông, suối dâng cao, nhiều hộ dân bị nước tràn vào nhà.

Ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến, cho biết: Toàn bộ các xóm trong xã nằm dọc sông Chu đều bị ngập, có hàng chục hộ dân bị nước tràn vào nhà cao từ 1-1,5m đã khiến nhiều đồ đạc bị hư hại. Ngoài ra, có 21 hộ bị sạt lở ta luy dương. Trong thời gian mưa lũ, địa phương đã phải di dời khẩn cấp 10 hộ dân đến khu vực an toàn. Hiện tại, chính quyền địa phương đang huy động đoàn viên thành niên, lực lượng dân quân hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ bị ảnh hưởng nặng. Đồng thời lên phương án xử lý các điểm sạt lở trên các tuyến đường liên xã, liên xóm để bà con đi lại thuận tiện.

Còn ông Hoàng Thanh Xuất, Chủ tịch UBND xã Trung Lương, cho biết: Đợt mưa lũ sau cơn bão số 3, mức độ thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với trận mưa lũ thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua. Phần lớn người dân trên địa bàn thiệt hại về lúa, hoa màu, với diện tích hơn 30ha và gần 4.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi. Do nhiều diện tích lúa và hoa màu ngập úng với thời gian từ 3-4 ngày nên không có khả năng phục hồi. Ngoài ra, có 16 hộ dân tại 8 xóm bị ngập nước, 3 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở ta luy dương. Trong thời gian mưa lũ, xã kiểm tra và phát hiện tại khu vực xóm Hồng Văn Lương có 6 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở đất trên đồi cao xuống nên đã tổ chức di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 346 Quân khu 1 và nhân dân khắc phục sạt lở đường giao thông tại xã Kim Phượng (Định Hóa). Ảnh: Khánh Cao

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 346 Quân khu 1 và nhân dân khắc phục sạt lở đường giao thông tại xã Kim Phượng (Định Hóa). Ảnh: Khánh Cao

Theo thống kê ban đầu của huyện Định Hóa, tính đến hết ngày 13-9, thiệt hại do đợt mưa lũ sau cơn bão số 3 gây ra khoảng 137 tỷ đồng. Tất cả 23/23 xã, thị trấn trên địa bàn đều có các điểm, khu vực bị ngập úng, sạt lở. Toàn huyện có 45 ngôi nhà bị sập đổ; 44 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 154 hộ dân phải di dời khẩn cấp; có 3.900 hộ dân bị thiệt hại về lúa, hoa màu và cây rừng trồng, với tổng diện tích khoảng 970ha, trong đó, có 860ha lúa và hoa màu, 110ha rừng trồng; hơn 220ha ao, hồ nuôi cá bị ngập.

Đặc biệt, toàn huyện có 636 điểm sạt lở, với khối lương 610.000m3 đất. Trong đó, 47 điểm sạt lở nghiêm trọng, có khối lượng đất đá hơn 1.000m3/ điểm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 2 trạm biến áp bị hư hỏng và 60 cột điện bị gãy đổ.

Ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, cho biết: Trận mưa lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân và các công trình Nhà nước. Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở để lên phương án di dời người dân đến nơi ở an toàn. Bố trí lực lượng chốt chặn, không cho người dân đi qua các ngầm tràn nguy hiểm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân đối với thiên tai…

Hiện nay, để ổn định đời sống của người dân, UBND huyện Định Hóa đã chỉ đạo, chính quyền các xã, thị trấn chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời phối hợp với lực lượng quân đội, công an nhằm rà soát các hộ thiếu nhu yếu phẩm để tổ chức cấp phát lương thực, không để người dân thiếu đói.

Bên cạnh đó, các lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân, công an xã, các hội đoàn thể tổ chức hỗ trợ dọn dẹp, vệ sinh, phun khử khuẩn phòng trừ dịch bệnh để người dân dần ổn định cuộc sống. Các trường học bị ngập nước, tràn bùn đã được các thầy, cô giáo, phụ huynh học sinh và các lực lượng tại chỗ tiến hành thu dọn bùn, sắp xếp lại phòng lớp học để đảm bảo đón các em học sinh đến trường sau thời gian nghỉ học do mưa lũ.

Dương Hưng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202409/dinh-hoa-don-luckhac-phuc-hau-qua-mua-lu-300162a/
Zalo