Định hình tương lai của Syria

Đồng minh phương Tây và các nước Arab đã tập trung tại Paris (Pháp) để tham dự hội nghị quốc tế về tương lai của Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar Assad bị lật đổ trong bối cảnh chính sách viện trợ của Mỹ đối với khu vực có thay đổi. Đây là thời điểm then chốt trong hành trình phục hồi của Syria.

Khu chợ Al-Hamidiyeh ở thủ đô Damascus (Syria).

Khu chợ Al-Hamidiyeh ở thủ đô Damascus (Syria).

Đây là hội nghị thứ ba về Syria kể từ khi chính quyền Bashar Assad bị lật đổ vào tháng 12-2024 và là hội nghị đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ với chương trình nghị sự tập trung vào quá trình chuyển đổi chính trị, viện trợ nhân đạo và tái thiết. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Paris sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để giải quyết các nhóm khủng bố và ngăn chặn việc Syria bị lợi dụng, gây bất ổn cho khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot cho biết: "Chúng tôi đang làm việc với các đối tác châu Âu để nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế được áp dụng cô lập chế độ Bashar Assad. Các lệnh trừng phạt này, dù là của Liên hợp quốc hay châu Âu đã góp phần vào sự sụp đổ của chế độ cũ. Chúng không thể là rào cản đối với quá trình phục hồi và tái thiết Syria nữa", đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của những nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Một trong những trở ngại quan trọng nhất đối với quá trình tái thiết Syria là hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn còn hiệu lực, đang làm suy yếu và cắt đứt nền kinh tế này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Các lệnh trừng phạt khiến người Syria khó có thể thực hiện được các giao dịch tài chính, nhận kiều hối và nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả vật tư y tế và thực phẩm. Kết quả là tình trạng thiếu hụt và giá cả leo thang làm trầm trọng thêm những khó khăn. Cộng đồng quốc tế đã thúc giục Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh trừng phạt, tạo điều kiện cho quốc gia Trung Đông tái thiết và ổn định. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất.

Quyết định của ông Donald Trump về việc đóng băng viện trợ nước ngoài đã làm dấy lên mối lo ngại ở Syria, một quốc gia phụ thuộc vào hàng trăm triệu USD viện trợ từ Washington và hiện đang bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến. Đất nước cần đầu tư lớn để xây dựng lại nhà ở, hệ thống điện, nước và cơ sở hạ tầng giao thông sau gần 14 năm chiến tranh. Năm 2017, Liên hợp quốc ước tính rằng sẽ tiêu tốn ít nhất 250 tỷ USD để tái thiết Syria, nhưng hiện nay, một số chuyên gia cho rằng, con số này có thể lên tới 400 tỷ USD. Việc đóng băng nguồn tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khiến các cơ sở y tế phải vật lộn với tình trạng thiếu nước, điện và thuốc thiết yếu, trong khi các nhân viên y tế không được trả lương đang rời bỏ vị trí. Kết quả là, chỉ có 20% cơ sở y tế ở Syria đang hoạt động, làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã tồi tệ.

Do đó, việc cung cấp kinh phí để xây dựng lại cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết với Damascus. Khôi phục các dịch vụ thiết yếu và tạo việc làm sẽ thúc đẩy sự ổn định kinh tế. Nếu không có khoản đầu tư thích hợp vào việc xây dựng lại các thành phố bị tàn phá của Syria, những người tị nạn trở về sẽ phải vật lộn để tái hòa nhập và nguy cơ phải di dời trở lại sẽ vẫn tiếp diễn. Các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ và đối tác khu vực cần thúc đẩy nỗ lực tài trợ cho các dự án tái thiết quy mô lớn và sự hợp lực này sẽ tạo thành “xương sống” cho quá trình phục hồi của Syria.

Mặc dù chương trình nghị sự của hội nghị rất rộng, song các quan chức tham gia sự kiện nhấn mạnh rằng: Hội nghị quốc tế về Syria tại Paris chỉ là một bước trong nỗ lực dài hạn để tái thiết quốc gia này. Đây là cơ hội để EU cũng như các quốc gia trong khu vực đưa ra một chiến lược rõ ràng nhằm hỗ trợ nguyện vọng và nhu cầu bảo vệ của người dân Syria. Hỗ trợ phục hồi Syria không chỉ có lợi cho người dân nước này mà còn cho cộng đồng quốc tế. Sự ổn định ở Syria có thể góp phần vào an ninh khu vực, giảm gánh nặng cho các quốc gia láng giềng đang tiếp nhận người tị nạn và giảm thiểu các yếu tố thúc đẩy di cư bất hợp pháp. Hơn nữa, một Syria thịnh vượng và ổn định có thể trở thành đối tác có giá trị trong khu vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và hợp tác toàn cầu.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dinh-hinh-tuong-lai-cua-syria-693261.html
Zalo