Định hình trục công nghiệp mới cho TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ sau sáp nhập, định hướng phát triển công nghiệp theo hướng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao và kinh tế tuần hoàn để đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày 17/7, UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương cùng các sở, ban, ngành đã tổ chức tọa đàm "Động lực phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - Từ tiềm năng đến hành động". Mục tiêu của sự kiện là tìm kiếm giải pháp chiến lược cho các ngành công nghiệp chủ lực và xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ toàn diện.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lắng nghe, ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp để định hình phát triển công nghiệp thành phố trong xu thế mới

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lắng nghe, ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp để định hình phát triển công nghiệp thành phố trong xu thế mới

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hình và phát huy tối đa tiềm năng công nghiệp của khu vực TP. Hồ Chí Minh mở rộng sau khi sáp nhập thêm hai địa phương công nghiệp trọng điểm là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mặc dù công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đóng góp 30% GRDP và giữ vai trò đầu tàu, nhưng vẫn đối mặt nhiều "điểm nghẽn" như chi phí logistics cao (16-20% giá thành sản phẩm), quỹ đất công nghiệp sạch hạn chế, chi phí thuê đất cao và nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tự động hóa thấp. Do đó, cần có cái nhìn thực tế, đánh giá tiềm năng và đề xuất các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững, hiện đại, sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Phía Bắc TP. Hồ Chí Minh (Bình Dương cũ) đã có quy hoạch phát triển theo chiều sâu, việc sáp nhập giúp thành phố mở rộng không gian và tạo nền tảng để đưa các chiến lược công nghiệp công nghệ cao vào thực tiễn.

Phía Bắc TP. Hồ Chí Minh (Bình Dương cũ) đã có quy hoạch phát triển theo chiều sâu, việc sáp nhập giúp thành phố mở rộng không gian và tạo nền tảng để đưa các chiến lược công nghiệp công nghệ cao vào thực tiễn.

Các đề xuất định hướng phát triển

TS. Huỳnh Thanh Điền từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành góp ý rằng TP. Hồ Chí Minh nên phát triển theo mô hình "trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp" với khả năng dẫn dắt từ thiết kế, R&D đến sản xuất, logistics và xuất khẩu. Đây sẽ là một hệ sinh thái hoàn chỉnh, có thể lan tỏa đến cả vùng Đông và Tây Nam Bộ. Để điều phối hiệu quả, cần có một đơn vị đủ thẩm quyền điều tiết liên kết vùng, phối hợp chính sách, quy hoạch không gian và đầu tư hạ tầng liên vùng.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may thời trang TP. Hồ Chí Minh, nhận định việc TP. Hồ Chí Minh mở rộng lên hơn 6.700 km² và tích hợp công nghiệp, đô thị, cảng biển (ví dụ: may ở TP. Hồ Chí Minh, nhuộm ở Bình Dương, xuất khẩu qua Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu) là cơ hội hiếm có để tái cấu trúc vai trò của thành phố trong hệ sinh thái sản xuất quốc gia.

Ngành dệt may Việt Nam, dù xuất khẩu 22 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2025, vẫn phụ thuộc hơn 60% giá trị đầu vào nhập khẩu. Để TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu tàu công nghiệp, ngành dệt may cần chuyển từ gia công giá rẻ sang sản xuất sáng tạo.

Ông Việt đề xuất xây dựng "hành lang công nghiệp xanh tích hợp" từ Dĩ An (Bình Dương) đến Nhà Bè, kết nối với cảng Cái Mép - Vũng Tàu, nối liền toàn bộ chuỗi sợi - dệt - nhuộm - may - thương mại - logistics. Trên chuỗi này, thành phố cần thiết lập bộ tiêu chuẩn tích hợp vận hành chuỗi công nghiệp liên vùng, bao gồm môi trường sản xuất, logistics số, dữ liệu chuỗi và kiểm soát rủi ro nhằm chuyển từ mô hình phát triển phân tán sang hệ sinh thái sản xuất.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), kiến nghị thành phố cần quy hoạch lại các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, hiện đại, kết nối vùng nguyên liệu, đảm bảo hạ tầng xử lý nước thải đạt chuẩn và thuận tiện xuất khẩu.

Theo đó, xây dựng trung tâm logistics lạnh tại các đầu mối như Cái Mép - Thị Vải; phát triển các trung tâm R&D, kiểm nghiệm độc lập, cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành thực phẩm. Đặc biệt, cần thí điểm cơ chế một cửa liên thông đặc biệt cho các dự án công nghiệp trọng điểm để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, quy hoạch và đất đai.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn từ Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đề xuất TP. Hồ Chí Minh nên xây dựng "trung tâm thương mại không biên giới" làm nền tảng cho doanh nghiệp Việt kết nối trực tiếp với thị trường toàn cầu. Đồng thời, phát triển các trung tâm tài chính, chuỗi trung tâm R&D, logistics số và công nghiệp thông minh.

Ông Tuấn nhấn mạnh, việc TP. Hồ Chí Minh cũ sẽ giữ vai trò "bộ não" vùng – nơi tập trung R&D, tài chính, kiểm định và điều phối sản xuất; Bình Dương (cũ) và Đồng Nai là trung tâm sản xuất công nghệ cao; Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đảm nhiệm xuất nhập khẩu và năng lượng.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định sẽ chuyển đổi định hình phát triển công nghiệp của thành phố theo hướng xanh bền vững và kết nối vùng.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định sẽ chuyển đổi định hình phát triển công nghiệp của thành phố theo hướng xanh bền vững và kết nối vùng.

Hành động cụ thể từ chính quyền

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thừa nhận rằng, khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây là trung tâm sản xuất, logistics, dịch vụ công nghiệp hàng đầu với gần 50% doanh nghiệp tư nhân cả nước. Tuy nhiên, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP có xu hướng giảm, công nghiệp truyền thống còn thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp và sức cạnh tranh chưa tương xứng tiềm năng.

Trước bối cảnh mới, cần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, sản xuất thông minh; phát triển công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon. Đồng thời, nâng cấp chuỗi giá trị, tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng, có giá trị gia tăng lớn và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác công - tư, liên kết vùng.

Để biến tiềm năng thành hành động, ông Hà yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch lĩnh vực công nghiệp đã tích hợp trong quy hoạch tỉnh của 03 địa phương trước đây. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phù hợp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển cơ khí chế tạo, hóa chất, chip, điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghiệp đường sắt cao tốc.

Sở Tài chính được giao nghiên cứu, tham mưu chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghệ mới, đẩy mạnh hợp tác công - tư. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, chuyển đổi và phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh, kết nối logistics vùng.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dinh-hinh-truc-cong-nghiep-moi-cho-tp-ho-chi-minh-167445.html
Zalo