Định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu

Giá thành cao hơn giá bán đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam và các nước bị thua lỗ. Việc định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu là cần thiết.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 năm 2024 diễn ra từ ngày 26-28/2/2024 tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, do Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại của Việt Nam; một sự kiện quan trọng của ngành điều Việt Nam và thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam- cho biết: Năm 2022, 2023, chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành điều đang dần hồi phục sau đại dịch thì lại bị tác động lớn từ cuộc xung đột Nga- Ucraine; Israel-Hamas và lạm phát cao trên toàn cầu.

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Theo đó, giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam vốn đã giảm nhiều trong những năm trước, lại tiếp tục giảm xuống thấp trong năm 2023. Giá điều nhân của các nước sản xuất lớn khác như: Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Brazil cũng giảm mạnh. Trong khi đó, giá điều thô tuy cũng giảm, nhưng mức giảm chậm hơn nhiều so với điều nhân mặc dù sản lượng điều thô tăng mạnh. Nguyên nhân không chỉ ở sự tranh mua đầu vụ của các nhà chế biến mà còn là do một số nước quy định giá xuất khẩu tối thiểu; áp thuế và nhiều loại phí đối với điều thô xuất khẩu.

“Giá thành cao hơn giá bán đã khiến cho hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nhân Việt Nam và các nước bị thua lỗ hoặc không có lợi nhuận. Không ít nhà chế biến đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm sản lượng. Nguy cơ đóng cửa hàng loạt đang cận kề. Trong khi đó, Việt Nam là trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu vì nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô của thế giới và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu. Do vậy, nếu xảy ra tình trạng đóng cửa hàng loạt các nhà máy chế biến, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu sẽ bị đứt gãy dẫn tới điều nhân trên thị trường bị thiếu hụt và điều thô sẽ dư thừa. Như vậy, sẽ gây ra thiệt hại chung cho toàn chuỗi cung ứng hạt điều và dẫn tới nhiều hệ lụy, mà nguy cơ lớn nhất là nông dân ở nhiều quốc gia sẽ bỏ bê cây điều do không tiêu thụ được điều thô. Nếu nông dân thờ ơ với cây điều, sẽ ảnh hưởng rất lớn về lâu dài tới chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu”- ông Công phân tích.

Định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu

Theo đại diện của Starlink Global Nigeria Limited, Việt Nam là trung tâm chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu, từ nhập khẩu nguyên liệu thô (khu vực châu Phi, Campuchia, Indonesia) để chế biến và xuất khẩu nhân điều sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước EU...

Thực tế, trước đại dịch Covid- 19, khi chuỗi cung ứng điều hoạt động trơn tru, các bên đều có lãi, nhà máy chế biến tại Việt Nam tăng nóng cả về số lượng và công suất chế biến với gần 1.500 nhà máy, cơ sở chế biến lớn, nhỏ.

Chế biến xuất khẩu điều tại một doanh nghiệp của Việt Nam

Chế biến xuất khẩu điều tại một doanh nghiệp của Việt Nam

Diện tích vùng trồng điều ở châu Phi và các nước khác cũng tăng nhanh, làm sản lượng tăng mạnh. Chỉ riêng Bờ Biển Ngà, nước có diện tích và sản lượng điều thô dẫn đầu thế giới, từ 680.000 tấn/năm, lên 800.000 tấn/năm, nay 1,25 triệu tấn/năm; Campuchia từ 200.000 tấn/năm, lên 650.000 tấn/năm. Sản lượng điều thô sẽ còn tiếp tục tăng do diện tích trồng mới khá lớn ở các nước châu Phi và Campuchia những năm gần đây trưởng thành, cho thu hoạch (Campuchia đang nỗ lực để đạt sản lượng 1 triệu tấn điều thô trong vài năm tới).

Bài học từ cây công nghiệp khác cho thấy, tăng trưởng nóng dẫn đến sự mất cân đối cung cầu, khi xuất hiện thêm những bất ổn thì sự chênh vênh trong toàn chuỗi cung ứng càng rõ nét. Khó lường hết hậu quả khi trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu ở Việt Nam bị trục trặc.

Do đó, đã đến lúc điều chỉnh, định hình lại sự vận hành sao cho các bên trong chuỗi cùng hoạt động hiệu quả. Trong đó, việc điều chỉnh thế nào để phân bổ hợp lý hơn chuỗi giá trị điều toàn cầu để các bên cùng phát triển đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

“Bên cạnh việc kết nối giao thương, cung cấp thông tin, tăng cường các mối quan hệ song phương giữa các tổ chức quốc tế liên quan đến ngành điều và Hiệp hội điều các nước với Việt Nam, hội nghị sẽ tập trung phân tích, đánh giá, nhận định và đề xuất những giải pháp, sáng kiến nhằm định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, trong đó có sự điều chỉnh thích hợp chuỗi giá cả điều toàn cầu. Từ đó giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định - bền vững trong thời gian tới”- ông Phạm Văn Công cho biết.

Theo VINACAS, năm 2023, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đạt 645.316 tấn, tăng 24,33 % so với 2022. Đây là kỷ lục mới trong lịch sử ngành điều Việt Nam (trước đây, lượng điều nhân xuất khẩu cao nhất là vào năm 2021 với 609.260 tấn).

Không chỉ lập kỷ lục mới về lượng điều nhân xuất khẩu trong một năm, cũng trong năm 2023, ngành điều Việt Nam còn lập kỷ lục xuất khẩu trong 1 tháng, với lượng xuất khẩu trong tháng 10 là hơn 64.067 tấn. Tháng 11/2023, lượng điều nhân xuất khẩu cũng rất cao với trên 63.968 tấn.

Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2023, ngành điều Việt Nam đã mang về gần 3,583 tỷ USD, tăng 18,78 % so với 2022.

Như vậy, sau khi tăng trưởng âm cả về lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022, ngành điều Việt Nam đã có sự phục hồi và tăng trưởng khá tốt trong năm 2023.

Lý giải về điều này, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho rằng, hạt điều hiện đã được coi là một thực phẩm thiết yếu ở nhiều thị trường, nhất là khu vực châu Âu, Bắc Mỹ. Chính vì vậy, dù kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, các thị trường vẫn có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hạt điều.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dinh-hinh-lai-chuoi-cung-ung-dieu-toan-cau-305523.html
Zalo