Định danh tài khoản mạng xã hội: Thế giới ảo nhưng trách nhiệm phải thật

Nghị định 147/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/12 quy định nhiều điểm mới về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, trong đó có quy định từ ngày 25/12, người dùng chưa xác thực tài khoản sẽ không thể đăng bài, bình luận trên mạng xã hội. Đây là động thái cần thiết để người dùng hiểu rằng thế giới mạng có thể ảo nhưng trách nhiệm của họ là thật, đã đến lúc họ cần tham gia môi trường trực tuyến một cách có trách nhiệm.

1. Ngày 10/8/2024, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân TP Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) thông tin cơ quan này vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 6 người liên quan đến vụ tin đồn không đúng sự thật về nữ nhân viên một tập đoàn lớn của nước ngoài tại tỉnh này có quan hệ và lây truyền HIV cho nhiều người.

Trước đó, ngày 26/7, trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, có nhiều cá nhân đăng tải thông tin, hình ảnh, video văn hóa phẩm đồi trụy và danh sách lây nhiễm HIV gán ghép với nữ nhân viên một tập đoàn lớn gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội. Đại diện các cơ quan chức năng đã xác minh và khẳng định thông tin này sai sự thật.

Chiều cùng ngày, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin của cô gái bị đồn là người trong vụ việc nêu trên. Cô gái này lên tiếng cho rằng bản thân đang rất sốc vì bị xúc phạm danh dự khi bị đồn thổi những điều sai sự thật. Cô đã làm việc với cơ quan công an để xử lý những người làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của cô.

Trước sự việc trên, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố xác minh làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Kết quả điều tra phát hiện trường hợp N.T.N (38 tuổi, trú tại thành phố Thái Nguyên) đăng tải bài viết trên Facebook với lời lẽ khiếm nhã, kèm theo hình ảnh một người phụ nữ và danh sách 16 nam giới bị nhiễm HIV từ người phụ nữ trên. Các nội dung trên chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật.

Cũng liên quan tới sự việc này, ngày 18/9/2024, Công an TP Hà Nội cho biết đã xử phạt người đàn ông 36 tuổi 7,5 triệu đồng vì tung tin nữ công nhân lây HIV cho nhiều người để câu like, phục vụ bán hàng. Cơ quan chức năng xác định, người đàn ông đã sử dụng Fanpage Facebook do mình quản lý để đăng hình ảnh, thông tin khiếm nhã, không đúng sự thật về nữ nhân viên lây nhiễm HIV cho nhiều đàn ông. Ngoài ảnh của nữ công nhân, bài viết còn kèm danh sách 16 người bị vu là lây nhiễm. Tại cơ quan Công an, người này thừa nhận toàn bộ hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook nhằm mục đích tăng lượt like cho Fanpage để phục vụ bán hàng.

2.Điều hết sức đáng quan ngại là hiện tượng cư dân mạng xã hội đăng những thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, mang tính xúc phạm, bôi nhọ như hai trường hợp trên không phải là hiếm, nếu không muốn nói là ngày càng tràn lan, phổ biến trên mạng xã hội. Điều đáng quan ngại hơn nữa, như chia sẻ của chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà: “Nhiều người không biết rằng, mình nói, mình xúc phạm, mình tấn công người khác là mình đang vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, cho nên ở 1 khía cạnh nào đó người ta rất dễ dàng thoải mái trong việc thực hiện hay thể hiện phát ngôn của mình 1 cách thái quá”. Mạng xã hội là ảo, những comment có thể là những lời bình luận mang tính adua “theo trend” nhưng nhiều “anh hùng bàn phím” đã không hề ý thức được rõ ràng rằng những lời ác ý vô căn cứ của họ trên mạng xã hội gây nên những hệ lụy rất thực và vô cùng nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng, tinh thần và cuộc sống của đối tượng bị “ném đá” mà còn cướp đi sinh mạng của họ, đặc biệt là những thanh thiếu niên suy nghĩ còn bồng bột, nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước những lời miệt thị, mỉa mai, đá xoáy, lên án của cộng đồng mạng.

Tấm màn ảo của mạng xã hội đã là nơi che đậy hoàn hảo cho những màn ném đá tập thể lệch lạc, cho những tấn công ác ý mang tính cá nhân. Như chia sẻ đầy chua xót của Luật sư Nguyễn Thành Công: “Sự tự do trên MHX đang trở thành mảnh đất dung dưỡng cho cái xấu khi người ta dễ dàng lên án, chỉ trích, cười cợt, chê bai bất kỳ thứ gì không “vừa mắt”. Việc nhiều người hùa nhau chửi bới, bình luận cay nghiệt, “ném đá” một nhân vật, một sự việc trên MXH là bởi họ cho rằng mình vô danh với người bị chỉ trích. Khi trở nên vô danh, con người bộc lộ bản năng và dễ làm điều tiêu cực với người khác. Đó là tâm lý đám đông bắt nguồn từ sự lây lan cảm xúc một cách vô thức đi kèm với cảm giác tự do, cảm thấy mình không phải chịu trách nhiệm khi hậu quả xấu xảy ra”.

Chính bởi nhiều cư dân trên thế giới ảo không hề ý thức rằng hành vi đăng tin, bình luận sai sự thật, lăng mạ, bôi nhọ, làm nhục người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Nên, cho dù quy định pháp luật, từ Hiến pháp cho tới Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… các nghị định… đều đã có những quy định, chế tài về vấn đề này, hiện tượng “tòa án công lý” trên mạng xã hội vẫn diễn ra theo chiều hướng ngày càng tràn lan, ngày càng trầm trọng hơn…

3. Từ thực tế đó, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ra đời. Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 147 là người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc ID (nếu không có số điện thoại). Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký. Chỉ các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Các tài khoản mạng xã hội thực hiện livestream với mục đích thương mại như bán hàng, có phát sinh doanh thu thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”. Các nền tảng phải cung cấp thông tin người sử dụng cho Bộ TTTT, Bộ Công an khi có yêu cầu đối với những tài khoản, trang kênh có dấu hiệu vi phạm. Còn theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Nghị định 147/2024/NĐ-CP có những chính sách mới sẽ ảnh hưởng và thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam. Đặc biệt, quy định này nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Còn theo Luật sư Mai Thảo, Nghị định 147 được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, minh bạch và an toàn hơn. Nghị định 147/2024/NĐ-CP thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện quản lý không gian mạng, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của các dịch vụ Internet và mạng xã hội tại Việt Nam.

Rõ ràng, rất nhiều kỳ vọng về một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và hiệu quả hơn trong tương lai đang được đặt ra từ Nghị định 147 cũng như nhiều nỗ lực khác của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là câu chuyện văn hóa, ý thức, trách nhiệm của mỗi người dùng mạng xã hội. Nhắc nhớ về điều này tôi lại nhớ tới một câu viết trong một bài báo: đánh người khác, tay mình đau trước; chỉ trích, nói xấu người khác thì cũng là đang hạ thấp nhân phẩm chính mình. Nếu ai cũng nhận thức được điều đó, có lẽ thế giới ảo sẽ bớt đi được ít nhiều những xô bồ, nhiễu loạn.

Thư Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dinh-danh-tai-khoan-mang-xa-hoi-the-gioi-ao-nhung-trach-nhiem-phai-that-post327491.html
Zalo