Điều trị ung thư đang bước vào 'kỷ nguyên vàng'

Một số loại ung thư sẽ trở nên 'hiếm gặp hơn nhiều', nhờ vào kết quả đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng của các loại vaccine.

Ngành y học toàn cầu đang đứng trước một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống ung thư, khi các tiến bộ vượt bậc trong điều trị và phòng ngừa đang mở ra một “kỷ nguyên vàng”. Đây là nhận định của Sir Stephen Powis, Giáo sư, Giám đốc Y khoa của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).

Sir Stephen Powis, Giáo sư, Giám đốc Y khoa của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết các phương pháp điều trị ung thư đang "phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc". Ảnh: Getty Images

Sir Stephen Powis, Giáo sư, Giám đốc Y khoa của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết các phương pháp điều trị ung thư đang "phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc". Ảnh: Getty Images

Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn mới đây, Sir Stephen khẳng định: “Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của một thời kỳ đột phá trong điều trị nhiều loại ung thư. Ngày càng nhiều người sống lâu hơn, sống khỏe hơn sau chẩn đoán, và một số trường hợp thậm chí đã được chữa khỏi hoàn toàn”.

Ung thư không còn là “án tử”

Những năm gần đây, các tiến bộ trong liệu pháp miễn dịch, thuốc điều trị và công nghệ phát hiện sớm đã giúp thay đổi hoàn toàn tiên lượng của bệnh nhân ung thư. Từ chỗ từng được xem là bản “án tử”, nhiều loại ung thư ngày nay có thể được kiểm soát như một bệnh mãn tính.

Sir Stephen so sánh cuộc cách mạng điều trị ung thư hiện nay với hành trình chống HIV/AIDS suốt 40 năm qua: “Khi còn là bác sĩ trẻ, tôi từng chứng kiến nỗi đau và cái chết mà HIV/AIDS gây ra. Nhưng theo thời gian, các liệu pháp hiệu quả xuất hiện, biến căn bệnh từng gây ám ảnh trở thành một tình trạng có thể kiểm soát, giúp người bệnh sống cuộc sống bình thường – điều không thể tưởng tượng vào những năm 1980”.

Từ chỗ từng được xem là bản “án tử”, nhiều loại ung thư ngày nay có thể được kiểm soát như một bệnh mãn tính.

Từ chỗ từng được xem là bản “án tử”, nhiều loại ung thư ngày nay có thể được kiểm soát như một bệnh mãn tính.

Tương tự, sự kết hợp giữa thuốc giúp hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư, xét nghiệm di truyền và công nghệ cá nhân hóa điều trị đang tạo nên một cuộc cách mạng trong ung thư học.

“Ung thư sẽ ngày càng được điều trị theo hướng cá nhân hóa – tức là mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ riêng biệt, phù hợp với cấu trúc gen và đặc điểm khối u. Tất cả điều đó đang được thúc đẩy bởi khoa học di truyền”, Sir Stephen cho biết.

Nhiều loại ung thư sẽ trở nên hiếm gặp

Tại Vương quốc Anh, theo thống kế, mỗi năm có khoảng 385.000 ca ung thư mới được phát hiện. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong điều trị, hiện nay một nửa bệnh nhân ung thư có thể sống thêm ít nhất 10 năm sau chẩn đoán – con số này cao gấp đôi so với thập niên 1970. Riêng ung thư vú, ba phần tư phụ nữ hiện có thể sống ít nhất 10 năm sau điều trị.

Biểu đồ cho thấy tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân bị ung thư phổi và bệnh nhân nữ bị ung thư vú giảm dần trong hai thập kỷ qua.

Biểu đồ cho thấy tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân bị ung thư phổi và bệnh nhân nữ bị ung thư vú giảm dần trong hai thập kỷ qua.

Đáng chú ý, các loại ung thư phổi, vốn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, được dự báo sẽ trở nên hiếm gặp hơn trong tương lai. Lý do đến từ hai hướng: các loại vaccine đang cho kết quả khả quan trong thử nghiệm lâm sàng, và các xét nghiệm sinh học phân tử giúp phát hiện đặc điểm di truyền của khối u, từ đó đưa ra phác đồ điều trị chính xác ngay từ đầu.

Một trong những bước tiến nổi bật là xét nghiệm máu thế hệ mới, cho phép cá thể hóa điều trị ung thư mà không cần đến sinh thiết truyền thống. Xét nghiệm này đang được triển khai trong hệ thống y tế công NHS, trở thành sáng kiến đầu tiên trên thế giới.

Sir Stephen cũng nhấn mạnh vai trò của các chính sách phòng ngừa, đặc biệt là lệnh cấm hút thuốc đối với các thế hệ trẻ. Theo ông, điều này sẽ góp phần xóa bỏ một số loại ung thư liên quan đến thuốc lá như ung thư phổi, thanh quản, thực quản… trong tương lai.

“Chúng ta không thể phòng tránh tất cả các loại ung thư, nhưng có những loại hoàn toàn có thể ngăn ngừa. Những căn bệnh mà tôi từng chứng kiến trong 40 năm qua có thể sẽ trở thành bệnh hiếm đối với các bác sĩ trong 40 năm tới”, ông chia sẻ.

Nhờ những tiến bộ trong điều trị, hiện nay một nửa bệnh nhân ung thư có thể sống thêm ít nhất 10 năm sau chẩn đoán.

Nhờ những tiến bộ trong điều trị, hiện nay một nửa bệnh nhân ung thư có thể sống thêm ít nhất 10 năm sau chẩn đoán.

Kỳ vọng lớn từ y học chính xác

Điểm nhấn trong bức tranh lạc quan này chính là sự phát triển của “y học chính xác” – tiếp cận điều trị dựa trên đặc điểm sinh học riêng biệt của từng bệnh nhân. Từ các liệu pháp miễn dịch “huấn luyện” hệ thống phòng vệ của cơ thể tấn công tế bào ung thư, đến công nghệ giải trình tự gen, ngành y học đang mở ra hy vọng lớn chưa từng có cho bệnh nhân ung thư.

Dù ung thư vẫn là một trong những thách thức y học lớn nhất, nhưng theo Sir Stephen, với tốc độ phát triển của khoa học hiện nay, nhân loại đang tiến gần hơn bao giờ hết đến mục tiêu biến ung thư thành căn bệnh có thể chữa khỏi hoặc kiểm soát lâu dài.

“Y học đã đi một chặng đường dài – và điều tốt đẹp nhất vẫn còn ở phía trước”, ông kết luận.

Hồng Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dieu-tri-ung-thu-dang-buoc-vao-ky-nguyen-vang-10379810.html
Zalo