Không phải rượu bia, những thứ này cũng đủ khiến gan 'suy sụp'
Rượu bia lâu nay vẫn được xem là 'kẻ thù số một' của gan. Nhưng thực tế, còn có những thói quen thường ngày, tưởng chừng vô hại, lại âm thầm tàn phá lá gan của bạn từng ngày. Dưới đây là 4 thủ phạm nguy hiểm mà ai cũng cần cảnh giác.
Thức ăn nhanh: Tiện lợi nhưng hại gan đáng kể
Khoai tây chiên giòn rụm, gà rán thơm lừng hay những chiếc bánh quy ngọt ngào... là món khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Thế nhưng, đằng sau sự tiện lợi và hấp dẫn ấy là một cái giá đắt với sức khỏe, đặc biệt là với gan.
Hầu hết các loại thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, đường tinh luyện và muối. Khi tiêu thụ quá mức, gan, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý “rác” trong cơ thể, sẽ bị quá tải. Fructose dư thừa được chuyển hóa thành mỡ, dần dần tích tụ và dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Nếu không phát hiện sớm, NAFLD có thể tiến triển thành xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Ảnh minh họa
Không chỉ vậy, thức ăn nhanh còn góp phần gây béo phì, cao huyết áp, kháng insulin, tất cả đều là những yếu tố nguy cơ khiến gan tổn thương nặng nề hơn. Vậy nên, hãy hạn chế đồ ăn vặt, thay vào đó ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, rau củ tươi và protein nạc trong bữa ăn hằng ngày để bảo vệ lá gan.
Đồ ngọt: Nguyên nhân gây tổn thương gan không kém rượu
Theo WebMD, ăn quá nhiều đồ ngọt cũng có thể gây hại cho gan tương tự như rượu. Khi bạn tiêu thụ đường vượt mức cho phép, gan buộc phải làm việc quá tải để chuyển hóa thành chất béo. Tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến tích tụ mỡ tại gan, gây ra gan nhiễm mỡ.
Điều đáng lo ngại là ngay cả những người không thừa cân cũng có thể bị tổn thương gan nếu ăn quá nhiều đường. Vì vậy, dù có “hảo ngọt” đến mấy, hãy tập giới hạn lượng bánh kẹo, nước ngọt có gas và đồ tráng miệng quá ngọt trong chế độ ăn.
Béo phì, tiểu đường, cholesterol cao: Bộ ba “ám sát” lá gan
Có thể bạn không uống rượu, không ăn đồ ngọt nhiều, nhưng nếu đang sống chung với béo phì, tiểu đường hoặc rối loạn mỡ máu thì gan vẫn có nguy cơ bị tổn thương.
Các tình trạng này đều liên quan chặt chẽ tới bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người phải ghép gan trong những năm gần đây. Điểm đáng mừng là nếu được phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể đảo ngược nhờ thay đổi lối sống.

Ảnh minh họa
Cắt giảm carbs đơn giản như bánh mì trắng, đường tinh luyện, ăn nhiều rau xanh, trái cây và protein nạc, kết hợp với tập thể dục thường xuyên chính là chìa khóa cho một lá gan khỏe mạnh. Thậm chí, nhiều nghiên cứu còn cho thấy cà phê có thể hỗ trợ giảm tổn thương gan nếu sử dụng hợp lý.
Thuốc giảm đau: Lợi bất cập hại nếu dùng bừa bãi
Khi bị đau đầu, sốt hoặc nhức mỏi cơ thể, nhiều người lập tức tìm đến thuốc giảm đau như paracetamol mà không cần hỏi ý kiến bác sĩ. Thế nhưng, việc lạm dụng những loại thuốc này lâu dài có thể khiến gan bị “bào mòn” từng ngày.
Gan là nơi xử lý hầu hết các loại thuốc bạn đưa vào cơ thể. Khi dùng quá liều hoặc dùng không đúng cách, gan sẽ không kịp phân giải, dễ gây nhiễm độc gan và làm chết tế bào gan. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn khiến chức năng gan suy giảm mà ít ai để ý.
Không chỉ thuốc tây, ngay cả thực phẩm chức năng từ thảo dược hay vitamin nếu sử dụng không đúng liều lượng cũng có thể gây tổn thương gan. Đừng bao giờ nghĩ rằng “cái gì từ thiên nhiên thì vô hại”.
Lá gan không biết “đau” như các cơ quan khác. Chỉ đến khi chức năng gan bị tổn thương nghiêm trọng, các triệu chứng mới dần xuất hiện như vàng da, mệt mỏi, sụt cân hoặc suy giảm miễn dịch. Đừng chờ đến lúc ấy mới bắt đầu thay đổi.
Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ: ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh lạm dụng thuốc và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bảo vệ gan chính là bảo vệ cả sức sống và năng lượng cho tương lai của bạn.