Điều trị thành công ca bệnh do não mô cầu
Người đàn ông 38 tuổi nhập viện với nhiều ban hoại tử tím trên cơ thể, đờ đẫn, sốt cao do não mô cầu. Điều tra dịch tễ, cơ quan y tế phát hiện thêm 2 trường hợp nghi nhiễm khác.
Ngày 24-2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM thông tin, đơn vị vừa điều trị thành công 1 ca nhiễm não mô cầu và 2 ca nghi nhiễm.
Theo đó, ngày 13-2, bệnh nhân nam (38 tuổi) được chuyển từ tuyến dưới đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM trong tình trạng đờ đẫn, sốt cao, lạnh run, nhức đầu nhiều, sưng đau các khớp kèm nổi ban hoại tử tím ở đùi và 2 cẳng chân.

Bệnh nhân não mô cầu điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định đây là bệnh cảnh nặng của bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn não mô cầu gây ra.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh tiêm mạch kịp thời với liều cao thấm qua màng não tốt. Đến nay, bệnh nhân hết sốt, tươi tỉnh, các tử ban ở da nhạt màu dần và sớm được xuất viện.
Ngay sau khi xác định ca bệnh do não mô cầu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM phối hợp cơ quan y tế điều tra dịch tễ, khoanh vùng, theo dõi sức khỏe của các cá nhân tiếp xúc gần.

Hình ảnh sang thương da của bệnh nhân não mô cầu
Qua đó, phát hiện 2 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh có triệu chứng sốt, lạnh run, viêm họng, viêm phổi.
2 ca nghi nhiễm được điều trị kịp thời và đáp ứng với phác đồ, giúp ngăn ngừa diễn tiến nặng, tạm thời khống chế được dịch lây lan.
Bệnh do não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lây qua đường hô hấp, có thể gây dịch.
Não mô cầu gây ra nhiều bệnh cảnh khác nhau ở đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục. Trong đó, thường gặp là thể bệnh viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết.
Trường hợp nhiễm trùng huyết tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng, có thể chỉ trong vòng vài giờ. Hiện, bệnh có kháng sinh điều trị hữu hiệu và vaccine phòng ngừa.