Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV lưu động cho người có nguy cơ cao
Ngày 9/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với CDC TP. Đà Nẵng tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV lưu động (PrEP lưu động) cho nhóm người có nguy cơ cao.
Khách hàng được tiếp đón, tư vấn, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc HIV, giang mai, creatinin, HBsAg, Anti-HCV và tư vấn sử dụng miễn phí thuốc ARV điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Mỗi khách hàng được phát thuốc miễn phí (từ nguồn Quỹ toàn cầu) sử dụng trong vòng 1 tháng và sẽ tái khám, nhận thuốc trong các đợt tiếp theo.
PrEP là sử dụng thuốc kháng virus HIV nhằm dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV. Khi dùng thuốc, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virus HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể. Nếu tuân thủ dùng thuốc, việc dự phòng lây nhiễm HIV mới hiệu quả.
PrEP dành cho người nguy cơ nhiễm HIV cao gồm: Đối tượng có quan hệ tình dục với người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV (nam quan hệ tình dục đồng giới - MSM, người tiêm chích ma túy... ; Người có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV >=200 bản sao/ml hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV; Có một trong các yếu tố có nguy cơ nhiễm HIV (quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su với hơn 1 bạn tình, đã mắc hoặc đang điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục); Người dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích.
Anh N.V.V., thành viên nhóm CLB Gót hồng tỉnh tham gia PrEP lưu động chia sẻ: “Việc thực hiện các xét nghiệm giúp bản thân kiểm soát tình trạng bệnh tật hiện tại và sử dụng PrEP bảo vệ bản thân. Trước các tệ nạn xã hội và những nguy cơ phải đối mặt trong xã hội, đây là việc mà những người có nguy cơ cao nhiễm HIV nên làm. Trước hoạt động này, các thành viên trong CLB đã tận dụng các kênh truyền thông để thông báo rộng rãi, thậm chí gặp mặt trực tiếp nhằm trao đổi, tư vấn, giới thiệu trước một bước. Các thành viên MSM cũng khá e dè, vận động họ đến với chương trình hôm nay không phải là điều dễ dàng”.
Từ tháng 6/2021, CDC Đà Nẵng được Bộ Y tế đồng ý triển khai điều trị PrEP. Đến nay, có 2.000 khách hàng đến phòng khám để tư vấn, điều trị. Năm 2023, chỉ tiêu thực hiện đã đạt hơn 86%.
BS Đoàn Kim Liên, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS và Quản lý điều trị nghiện chất CDC Đà Nẵng cho biết: “Khách hàng chủ yếu đến từ các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên như: Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai... Trong số này có nhiều bạn trẻ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng đến nhóm công nhân trong các khu công nghiệp”.
“Tại Huế, chúng tôi mong chương trình sẽ tạo được niềm tin và nhận được cái nhìn cởi mở trong tiếp cận đối với nhóm MSM. Đợt này, tại Huế, các nhóm tuyên truyền, vận động hơn 35 khách hàng. Tôi nghĩ đây mới chỉ là bề nổi và nhiều người có nguy cơ còn e dè. Bước đầu sẽ còn nhiều khó khăn, khi thông tin được rộng rãi và các bạn tự tin hơn, tin rằng, nhiều khách hàng sẽ chủ động tiếp cận với việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV”, BS Kim Liên nói thêm.
Để thực hiện buổi PrEP lưu động hiệu quả, trước đó, khoa Phòng chống HIV/AIDS CDC tỉnh đã gọi điện hướng dẫn và đặt lịch cụ thể cho từng khách hàng/nhóm khách hàng đến khám, xét nghiệm, tư vấn.
Đây là một phần trong chương trình hoạt động nhằm đẩy mạnh việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV(PrEP) cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại Thừa Thiên Huế, tiến tới giảm số người nhiễm mới HIV, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030
Tại Thừa Thiên Huế, mục tiêu đặt ra là có khoảng 130 người thuộc nhóm MSM được điều trị PrEP trong năm 2023; 100% người đủ tiêu chuẩn điều trị PrEP được cấp thuốc miễn phí từ nguồn Quỹ toàn cầu; Duy trì 70% khách hàng tiếp tục điều trị trong vòng 3 tháng.
Hai đợt điều trị PrEP lưu động tiếp theo sẽ được tổ chức tại Phòng khám chuyên khoa và điều trị nghiện chất thuộc CDC tỉnh (21 Nguyễn Văn Linh, P. An Hòa, TP. Huế) vào 7/10 và 11/11/2023.