Điều tra vụ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Unilever Việt Nam tại Quảng Nam
Đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam khẳng định toàn bộ kho hàng không phải hàng hóa do doanh nghiệp này sản xuất…
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, liên quan đến toàn bộ lô hàng Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam phát hiện và thu giữ trên địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đến nay đã được chuyển giao cho cơ quan Công an huyện Núi Thành tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, qua việc nắm bắt tình hình kinh doanh tại địa phương, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện kho hàng có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Sau khi tiến hành triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát hoạt động bán hàng, ngày 24/7, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam chủ trì phối hợp cùng với Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Núi Thành tiến hành khám xét tang vật trước nhà nghỉ Xuân Duyên, Quốc lộ 1A, thôn Tam Mỹ, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Tại hiện trường, tang vật gồm: 4 bao tải và 5 thùng caton chứa nhiều hàng hóa. Kết quả khám xét, lực lượng chức năng phát hiện bên trong chứa 11.928 sản phẩm dầu gội đầu, dầu xả, bột giặt, kem đánh răng, dầu xả vải mang các nhãn hiệu CLEAR, SUNSILK, DOVE, OMO, P/S, CLOSE UP, COMFORT của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.
Trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi nhận sản phẩm của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam; địa chỉ Lô A2-3, KCN Tây bắc Củ Chi, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM, Việt Nam.
Qua xác minh được biết, toàn bộ hàng hóa thuộc quyền sở hữu của bà T. T .T. (địa chỉ tại xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An) đặt mua trên mạng xã hội Facebook (có tên Tổng Kho Nước Giặt) về để bán lại kiếm lợi.
Cơ quan chức năng nhận định toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong quá trình xác minh, cơ quan chức năng đã làm việc với đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu là Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam thì đơn vị đã khẳng định số hàng hóa trên không phải là hàng hóa do công ty sản xuất hay cho phép tổ chức/cá nhân nào sản xuất.
Do đó, Đội Quản lý thị trường số 3 căn cứ thông tin về tên, địa chỉ được ghi nhận trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa đang tạm giữ xác định số hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 30.687.000 đồng.
Trên cơ sở đánh giá, phân loại vụ việc, Đội Quản lý thị trường số 3, xác định vụ việc có dấu hiệu phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự, Đội đã bàn giao vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Núi Thành tiếp nhận, thụ lý theo thẩm quyền.