Điều tra đường dây sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả nhắm vào trẻ em

Cầm đầu đường dây là Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech. Hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được xác định giả là BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2.

Ngày 25/4, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho hay đang điều tra đường dây sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dùng phiếu kết quả thử nghiệm giả để đưa sản phẩm ra thị trường. Đáng chú ý, các đối tượng trong đường dây này đã nhắm vào việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, trong đó có trẻ sơ sinh.

Theo CQĐT, cầm đầu đường dây là Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech. Hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được xác định làm giả do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech ở khối 8, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội sản xuất là BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2.

Đối tượng Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech. Ảnh: CAND

Đối tượng Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech. Ảnh: CAND

Công ty trên đã gia công, sản xuất hơn 200 sản phẩm có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại thiếu sự kiểm soát về chất lượng. Dù sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ, nhưng thực tế giá thành và chất lượng không đúng như công bố.

Tại cơ quan Công an, bước đầu ông Phạm Vũ Khiêm khai nhận đã sửa khoản chỉ tiêu đạt công bố sản phẩm. Cụ thể là sửa nội dung "không đạt" thành "đạt" để đưa ra thị trường.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, cán bộ Văn phòng cơ quan CSĐT (Bộ Công an) cho biết, các đối tượng sản xuất hàng giả sẽ sản xuất ra hàng loạt sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng.

Sản phẩm BABY SHARK do Công ty TNHH công nghệ Herbitech làm giả. Ảnh: CAND

Sản phẩm BABY SHARK do Công ty TNHH công nghệ Herbitech làm giả. Ảnh: CAND

Theo đó, để sản phẩm giả được lưu hành ra thị trường thì các đối tượng sẽ gửi các mẫu đi trưng cầu để các công ty có chức năng về xét nghiệm, kiểm nghiệm lại đúng thành phần, định lượng như đã công bố hay không.

Khi tiến hành kiểm nghiệm, các mẫu kiểm nghiệm không đạt được như sản phẩm công bố, các đối tượng sẽ thực hiện liên kết và trao đổi, thống nhất với các công ty xét nghiệm để chỉnh sửa kết quả, hoặc thậm chí làm khống cả phiếu kết quả kiểm nghiệm.

Trước đó, Bộ Công an cũng triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Kết quả điều tra điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả này đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột.

Đến nay, 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai đã được sản xuất. Các thành phần công bố trên bao bì là chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này trong sản phẩm.

Theo CQĐT, Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dieu-tra-duong-day-san-xuat-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-gia-nham-vao-tre-em-2394933.html
Zalo