Điều tra các vụ án nhận hối lộ, tham ô tài sản và trốn thuế tại Thừa Thiên Huế

Vào những tháng cuối năm 2024, tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa thủ tục làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Trước thực trạng này, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) và Công an các huyện, thị xã đóng trên địa bàn đã tích cực vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Mới đây nhất, qua công tác theo dõi, Phòng CSKT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện vụ án tham nhũng xảy ra tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua điều tra cơ quan Công an xác định, Chi cục Thủy sản là cơ quan Nhà nước trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế. Đơn vị này có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, đăng kiểm tàu cá. Thế nhưng, lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao, các đăng kiểm viên Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã móc nối, cấu kết với các đơn vị cấp chứng thư giám định máy tàu, cơ sở thi công cải hoán tàu cá để nhận tiền của ngư dân nhằm hợp thức hóa hồ sơ cải hoán tàu cá, nâng công suất máy tàu không đúng quy định.

Hai đăng kiểm viên Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế bị bắt trong vụ án "Nhận hối lộ".

Hai đăng kiểm viên Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế bị bắt trong vụ án "Nhận hối lộ".

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng về hành vi "Nhận hối lộ" quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng bị bắt, gồm: Nguyễn Văn Bôn (SN 1976, trú phường Gia Hội, TP Huế, đăng kiểm viên, Trưởng phòng Tàu cá Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế); Trần Chuối (SN 1977, trú phường Kim Long, TP Huế, đăng kiểm viên); Ngô Văn Tuấn (SN 1988, trú xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, đăng kiểm viên); Phạm Bá Hiếu (SN 1955, trú phường Phú Hậu, TP Huế, nguyên Giám đốc Công ty Tàu thuyền An Thuận, phường Thuận An, TP Huế) và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Hải Thụy (SN 1979, trú phường Thủy Vân, TP Huế, đăng kiểm viên, Trưởng phòng Thanh tra - kiểm ngư). Cơ quan Công an đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng để thu thập tài liệu chứng cứ và tài sản tham nhũng để điều tra xử lý theo quy định.

Ngoài các vụ án liên quan đến tham những, trong thời gian qua, Phòng CSKT cùng Công an các đơn vị cũng đã tích cực điều tra, làm rõ thêm nhiều vụ án kinh tế liên quan đến việc mua, bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước và trốn thuế xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là những vụ án kinh tế mà các đối tượng liên quan đều có chức vụ hoặc là lãnh đạo doanh nghiệp, có mối quan hệ phức tạp nên việc xác minh thông tin, điều tra vụ án gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và nỗ lực, quyết tâm của các cán bộ điều tra, lực lượng CSKT Công an tỉnh đã bóc gỡ nhiều đường dây mua, bán trái phép hóa đơn, chứng từ.

Điển hình như mới đây, Phòng CSKT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện Công ty TNHH MTV Tài Phước Đức (gọi tắt Công ty Tài Phước Đức, đóng ở phường Trường An, TP Huế) do Nguyễn Lê Quân (SN 1990, trú ở phường Đông Ba, TP Huế) làm Giám đốc có nhiều nghi vấn về sử dụng hóa đơn đầu vào, đầu ra và việc khấu trừ thuế GTGT hàng quý nên tiến hành lập chuyên án đấu tranh. Quá trình điều tra xác định, có nhiều doanh nghiệp đã xuất khống 243 số hóa đơn với tổng số tiền ghi trên hóa đơn là hơn 4,6 tỷ đồng cho Công ty Tài Phước Đức để công ty này kê khai chi phí đầu vào nhằm được khấu trừ thuế GTGT hơn 400 triệu đồng. Trong đó, Nguyễn Lê Quân đã mua hàng trăm hóa đơn GTGT mặt hàng bia của Nguyễn Thị Nhung (SN 1967, trú tại phường Thuận Lộc, TP Huế), sau đó sử dụng những hóa đơn này kê khai chi phí đầu vào cho Công ty Tài Phước Đức, gây thiệt hại số tiền lớn cho ngân sách Nhà nước.

Sau khi điều tra làm rõ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Lê Quân về hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước". Đồng thời khởi tố các đối tượng Nguyễn Thị Nhung; Phạm Thùy Dung; Châu Thị Hoài và Lê Thị Ngọc Anh đều là kế toán của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để điều tra hành vi phạm tội liên quan.

Cũng liên quan đến tội phạm kinh tế, vào ngày 7/11 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra xét xử vụ án "Tham ô tài sản", "Trốn thuế" xảy ra tại Công ty CP Cơ khí và Xây dựng công trình 878 (gọi tắt Công ty 878, đóng ở phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). 4 bị cáo trong vụ án đều có chức vụ tại Công ty 878 gồm: Lê Hữu Tiến (SN 1959, Giám đốc); Trần Việt Hùng (SN 1969, Phó Giám đốc); Lê Văn Tuấn (SN 1976, Phó Trưởng phòng, Kế toán trưởng) và Trương Văn Huy (SN 1970, Phó Trưởng phòng Vật tư thiết bị).

Tiến và các đối tượng cấp dưới còn lập hồ sơ khống, mua hóa đơn GTGT để chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng từ dự án xây dựng cầu Thạch Bích (tỉnh Quảng Ngãi). Ngoài ra, Lê Hữu Tiến còn sử dụng 15 hồ sơ, hóa đơn GTGT không hợp pháp liên quan đến hai công trình trên để khấu trừ thuế GTGT cho Công ty, gây thất thoát của Nhà nước hơn 7,6 tỷ đồng. Dự kiến ngày 15/11 tới đây, HĐXX sẽ tuyên án các bị cáo.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/lan-theo-dau-vet-toi-pham/dieu-tra-cac-vu-an-nhan-hoi-lo-tham-o-tai-san-va-tron-thue-tai-thua-thien-hue-i749842/
Zalo