Điều nhân xuất khẩu bị cảnh báo: Chấn chỉnh ngay hoạt động chế biến trước khi quá muộn
Đã có những phàn nàn, cảnh báo từ một số khách hàng, thị trường về chất lượng của nhiều lô hàng hạt điều Việt Nam xuất khẩu thời gian qua.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Hiệp hội đã nhận được văn bản chính thức từ 2 hiệp hội ở châu Âu và Mỹ, một số khách hàng khác cảnh báo về việc chất lượng hạt điều Việt Nam đang đi xuống. Trong số đó, những chỉ tiêu bị cảnh báo là côn trùng sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất.
Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) - cho biết, khi đơn đặt hàng tăng nhanh, các doanh nghiệp cũng tích cực chạy đua doanh số những tháng cuối năm bằng cách cho công nhân tăng ca, đẩy nhanh tiến độ chế biến. Vì thế, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu và cả thành phẩm ở một số nơi chưa được chặt chẽ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của riêng doanh nghiệp đó mà còn làm sụt giảm uy tín của cả ngành điều Việt Nam. Đây cũng là lý do khiến giá điều xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn điều Ấn Độ.
“Đến thời điểm hiện tại, việc giữ chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn của ngành điều Việt Nam”, đại diện Vinacas nói.
Để xảy ra tình trạng nhiều lô hàng bị cảnh báo dịch hại, chất lượng không đồng đều cho thấy quy trình kiểm soát có dấu hiệu bị buông lỏng vì trước đây không xảy ra vấn đề này.
Trước thực trạng trên, trong thời gian qua, Vinacas đã thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên về những cảnh báo từ nước ngoài, về việc phải tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình kiểm soát… Tuy nhiên, Hiệp hội chỉ có thể dừng ở khuyến cáo, không có quyền kiểm tra, xử phạt. Trong khi đó, các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu đến từ các doanh nghiệp không phải thành viên của Vinacas.
“Hiệp hội chúng tôi chỉ có thể đưa ra khuyến cáo, nhưng hiện nay cần phải có giải pháp mạnh hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Cần phải có sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương, của cơ quan chức năng”, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam mong muốn.
Thực tế, thời gian qua, nhân điều xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp bị khách hàng phản ảnh về chất lượng sản phẩm có vấn đề về dư lượng. Theo đó, từ tháng 6/2023, nhiều lô hàng xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu đã liên tục bị cảnh báo về tình trạng nhiễm côn trùng sống. Mức độ báo động ngày càng tăng lên vào thời điểm quý 3/2023. Với những doanh nghiệp, lô hàng vi phạm quy định kiểm dịch thực vật, Hiệp hội đều có văn bản khuyến cáo, chỉ đạo địa phương chấn chỉnh. Nhưng chỉ dừng lại ở việc "đánh động" như thế, không có chế tài cụ thể thì rất khó giải quyết triệt để vấn đề.
Và điều quan trọng nhất để giảm thiệt hại cho ngành điều cũng như bảo vệ mặt hàng xuất khẩu chủ lực này, có lẽ không chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng mà rất cần ý thức của bản thân mỗi doanh nghiệp cũng như người nông dân.