Điều kiện đặc thù giúp sản phẩm mác mật Lạng Sơn có tính đặc trưng cao

Mác mật Lạng Sơn có mùi thơm đậm, vị cay nhẹ và thường được biết đến như một phần không thể thiếu trong món vịt quay lá mác mật của tỉnh Lạng Sơn.

Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ vừa ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” cho sản phẩm mác mật. Sở KH-CN tỉnh Lạng Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Sản phẩm mác mật của tỉnh Lạng Sơn đã có danh tiếng từ lâu đời và thường được biết đến như một phần không thể thiếu trong món vịt quay lá mác mật - đặc sản của tỉnh này.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, mác mật Lạng Sơn có mùi thơm đậm, vị cay nhẹ, được thể hiện qua hàm lượng myristicin trong tinh dầu cao. Ngoài ra, quả mác mật tươi và lá mác mật tươi mang chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” còn có hàm lượng protein lần lượt là 3,56 – 4,31% và 3,52 – 6,37%.

Sản phẩm mác mật Lạng Sơn - Ảnh: Cục SHTT

Sản phẩm mác mật Lạng Sơn - Ảnh: Cục SHTT

Các tính chất đặc trưng của mác mật Lạng Sơn có được là nhờ những điều kiện đặc thù tại vùng đất nơi đây. Cụ thể, lượng mưa trung bình ở khu vực địa lý sản xuất mác mật Lạng Sơn trong các tháng 1 thường có ở mức 36,55mm, và 34,17mm trong tháng 2, khá cao so với cùng thời điểm tại các khu vực trồng mác mật khác. Điều này hỗ trợ quá trình nảy mầm của chồi, cành non, lá non và nụ hoa.

Trong khi đó, lượng mưa trung bình tại khu vực các tháng từ 5 – 8 lại thấp hơn các khu vực trồng mác mật khác; trùng với giai đoạn quả mác mật tích lũy dinh dưỡng cao nhất, chín và được thu hoạch.

Ngoài ra, độ cao địa hình tỉnh Lạng Sơn ở mức dưới 600m, trung bình 252m so với mặt nước biển, thấp hơn so với độ cao của các khu vực sản xuất mác mật khác. Ở độ cao thấp hơn, cây tích lũy nhiều tinh dầu hơn.

Đất trồng mác mật tại Lạng Sơn cũng có hàm lượng K2O và độ pH phù hợp với việc sản xuất mác mật. Trong đó, hàm lượng K2O tổng số trong mẫu đất thu được tại khu vực sinh trưởng của mác mật khá cao, từ 0,327% - 0,883%, trung bình là 0,597%, là yếu tố hỗ trợ quá trình tổng hợp protein trong quả và lá mác mật của Lạng Sơn.

Các mẫu đất trồng mác mật tại Lạng Sơn có độ pH từ 4,42 - 8,24, trung bình là 6,864, ở mức cao do đất được hình thành trên nền đá vôi. Độ pH này thích hợp với cây mác mật hơn, dẫn đến quá trình tổng hợp protein, myristicin trong quả và lá mác mật Lạng Sơn tốt hơn.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dieu-kien-dac-thu-giup-san-pham-mac-mat-lang-son-co-tinh-dac-trung-cao-219563.html
Zalo