Điều khiến fentanyl trở thành một trong những trọng tâm chính sách thuế của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nhắc đến fentanyl (một loại thuốc giảm đau gây nghiện) trong các phát biểu về thế quan. Vậy điều gì đã khiến fentanyl trở thành 'cái gai trong mắt' ông Trump và trọng tâm chương trình thuế quan của nhà lãnh đạo Mỹ?
Fentanyl và thuế quan
Ngày 1/2, khi tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico, và 10% với hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Trump đã giãi bày về nguyên nhân dẫn đến quyết định này: “Thứ nhất là những người nhập cư đã đổ bộ vào đất nước chúng ta, một cách khủng khiếp và với số lượng rất lớn… Thứ hai là ma túy, fentanyl và mọi thứ khác đã xâm nhập vào đất nước… Và thứ ba là khoản trợ cấp khổng lồ mà chúng ta đang chi cho Canada và Mexico do thâm hụt thương mại”.
Mỹ từ lâu đã gây sức ép với Mexico để quốc gia này hành động quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn việc sản xuất và xuất khẩu fentanyl, cũng như tệ nạn rửa tiền vốn quan trọng với tội phạm buôn ma túy. Canada cũng liên quan bởi các băng đảng ma túy Mexico đã tăng cường hiện diện tại quốc gia Bắc Mỹ này.
Đáng chú ý, ngày 3/2, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum thông báo Chính phủ Mỹ đã quyết định hoãn việc áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này trong 1 tháng. Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Tổng thống Trump sẽ tạm hoãn áp thuế đối với toàn bộ hàng hóa của quốc gia láng giềng trong ít nhất 30 ngày. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump đánh giá Trung Quốc đã thất bại trong việc ngăn chặn fentanyl bất hợp pháp xâm nhập vào Mỹ.
Con đường fentanyl luồn lách vào nước Mỹ
Fentanyl là loại thuốc hợp pháp nằm dưới sự quản lý chặt chẽ, chủ yếu được kê đơn để giảm đau và dùng dưới dạng tiêm, miếng dán, thuốc xịt hoặc viên ngậm. Fentanyl bất hợp pháp thường ở dạng bột. Các băng đảng tội phạm đã trộn fentanyl bất hợp pháp với baking soda, tinh bột và đường để tạo ra một loại bột có thể hút hoặc hòa tan thành chất lỏng, tiêm.
Số ca tử vong do dùng thuốc quá liều ở Mỹ đã giảm khi có 89.740 ca tử vong trong 12 tháng kết thúc vào tháng 8/2024, hạ gần 22% so với cùng kỳ 12 tháng trước. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, số ca tử vong này vẫn cao gấp đôi so với một thập niên trước.
Thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (nhóm opioid) chiếm hơn 70% số ca tử vong do dùng thuốc quá liều, phần lớn là do fentanyl. Các khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD của Mỹ vào liệu pháp, chính sách, luật lệ và công cụ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng vẫn chưa đủ.
Theo chính phủ Mỹ, Mexico là nguồn cung fentanyl chính. Phần lớn ra đời từ các cơ sở tạm thời ở Mexico. Băng đảng Sinaloa là nhà sản xuất chính, tiếp theo là băng đảng đối thủ Jalisco.
Theo các nhà phân tích, fentanyl đã trở thành sản phẩm xuất khẩu chính của các băng đảng Mexico trong thập niên qua. Theo Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ (DEA), các băng đảng này hoạt động ở tất cả 50 tiểu bang của Mỹ và hơn 40 quốc gia.
Chi phí sản xuất fentanyl khá rẻ, mang lại siêu lợi nhuận và dễ buôn lậu. CBP tiết lộ rằng, các băng đảng Mexico đã cố gắng buôn lậu chúng vào Mỹ qua các phương tiện do công dân Mỹ điều khiển qua cửa khẩu.
Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã tịch thu hơn 10 tấn fentanyl vào năm ngoái, chỉ bằng một phần nhỏ so với lượng được cho đã buôn lậu vào Mỹ hàng năm.
Phản ứng từ Mexico, Canada và Trung Quốc
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 3/2 cho biết, Mexico đã đồng ý ngay lập tức tăng cường an ninh biên giới với Mỹ, "để ngăn chặn nạn buôn bán ma túy từ Mexico vào Mỹ, đặc biệt là fentanyl". Tổng thống Sheinbaum đồng thời nói rằng bà đã yêu cầu người đồng cấp Mỹ Trump giúp ngăn chặn buôn lậu vũ khí vào Mexico, bởi chúng chủ yếu rơi vào tay các băng đảng. Vào tháng 12/2024, lực lượng an ninh Mexico thu giữ 1,3 tấn fentanyl ở Sinaloa, đây là số lượng lớn nhất được ghi nhận trong một vụ bắt giữ.
Lực lượng chức năng Mỹ đã thu giữ 14,6 kg fentanyl tại biên giới với Canada vào năm 2024, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số lượng bị thu giữ tại biên giới phía Nam. Tuy nhiên, một loạt các vụ bắt giữ ở Canada cho thấy các băng đảng Mexico và những nhóm tội phạm có tổ chức khác đã bắt đầu vận hành cơ sở sản xuất ở quốc gia Bắc Mỹ này. Vào tháng 10, cảnh sát Canada đã triệt phá một cơ sở sản xuất fentanyl ở British Columbia và thu giữ hàng trăm kg fentanyl cùng methamphetamine. Cảnh sát cho biết cơ sở này có đủ hóa chất để hoạt động trong nhiều tuần và sản xuất 95 triệu liều fentanyl gây chết người.
Vào năm 2024, Canada cho biết sẽ đầu tư 900 triệu USD trong 6 năm để cải thiện an ninh biên giới bằng cách triển khai chó nghiệp vụ, thiết bị bay không người lái, trực thăng và tháp giám sát di động, đồng thời điều động thêm lực lượng ở biên giới. Chính phủ cũng đang đẩy nhanh các nỗ lực để giám sát và kiểm soát tốt hơn các tiền chất được đưa vào Canada. Ngày 3/2, Thủ tướng Canada Trudeau cho biết Canada sẽ điều 10.000 nhân sự đến biên giới, đưa các băng đảng Mexico vào danh sách tổ chức khủng bố, hợp tác với Mỹ để thành lập "Lực lượng tấn công chung" nhằm chống lại tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy và rửa tiền.
Về phần Trung Quốc, sau nhiều hối thúc của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, vào năm 2019, Bắc Kinh đã áp dụng quy định nghiêm ngặt đối với việc sản xuất và bán fentanyl. Kể từ đó, fentanyl phần lớn đã ngừng ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất thành phần hóa học để tạo fentanyl và bán chúng cho các nhà sản xuất thuốc ở Mexico, Mỹ cùng những nơi khác. Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã đạt được một số tiến bộ trong việc yêu cầu Trung Quốc xử lý vấn đề này. Năm 2024, Trung Quốc áp đặt các hạn chế mới đối với 3 loại hóa chất để tạo fentanyl, sau áp lực lâu dài của Mỹ.
Đáng chú ý, Bắc Kinh nhận định rằng các chính khách Mỹ đang muốn biến Trung Quốc chịu tội thay cho những thất bại của chính Washington trong việc giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng cam kết giảm xuất khẩu tiền chất fentanyl là một phần trong nội dung Trung Quốc chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm cố gắng ngăn chặn việc tăng thuế quan nhiều hơn.