Điêu khắc đương đại Việt Nam: Gắng tìm 'chỗ đứng' trong đời sống

Cuộc hội ngộ của giới nghệ sĩ tạo hình mang tên 'Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn' lần thứ 8 đang diễn ra sôi nổi tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đến ngày 3-9.

Bằng sự tài hoa, 37 nghệ sĩ đã biến những chất liệu tưởng như rất khô khan, cứng nhắc trở thành những tác phẩm giàu sắc thái, ý nghĩa. Qua đây, giới nghề và công chúng có thể nhìn nhận được phần nào diện mạo điêu khắc Việt Nam và những nỗ lực xác lập vị trí trong đời sống của điêu khắc đương đại.

Khách tham quan “Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn” lần thứ 8.

Khách tham quan “Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn” lần thứ 8.

Các thế hệ cùng chuyển động

“Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn” là hoạt động được tổ chức định kỳ 2 năm/lần luân phiên tại hai đầu đất nước - Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ra đời từ năm 2010 từ sự khởi xướng của hai nhà điêu khắc Đào Châu Hải và Bùi Hải Sơn, triển lãm thực sự là nơi kết nối và chia sẻ đời sống nghệ thuật điêu khắc đương đại và tạo được dấu ấn tích cực trong lòng công chúng. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận định, ở triển lãm này, các nghệ sĩ điêu khắc đương đại Việt Nam xóa đi mọi ngăn cách, cùng hướng đến một môi trường nghệ thuật thuần khiết, với thách thức lớn nhất là tạo mối quan tâm đích thực cho đời sống tinh thần của cộng đồng, làm cho nó trở nên phong phú và sâu sắc hơn.

Trong 14 năm qua, “Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn” dần mạnh hơn, không chỉ quy tụ các nghệ sĩ của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà trải dài nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng nghệ sĩ theo từng kỳ cũng tăng lên đáng kể, từ 15 người với 30 tác phẩm trong lần đầu tổ chức, đến mùa thứ 8, triển lãm đã thu hút được 37 nghệ sĩ với 86 tác phẩm. Bên cạnh các nghệ sĩ hoạt động tự do, triển lãm còn có nhiều giảng viên và nhà nghiên cứu mỹ thuật từ các trường đại học danh tiếng trong nước.

Triển lãm năm nay cho thấy sự phong phú ở khuynh hướng sáng tạo và chất liệu sử dụng. Bên cạnh những chất liệu quen thuộc như gỗ, đá, kim loại, lần này xuất hiện những sáng tạo bằng tài nguyên khá độc đáo như sợi, keo bọt nở, vật dụng hằng ngày, chất liệu tổng hợp... Có tác phẩm cao hơn 3m, có tác phẩm nặng tới hơn 200kg và cũng có những sắp đặt với kích thước 8x3m. Các sáng tác cũng có xu hướng gần với thiên nhiên, chứa đựng những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống đương đại, chuyển tải những thông điệp mang tính xã hội…

Đặc biệt, sự kiện lần này hội tụ tác phẩm của 3 thế hệ điêu khắc đương đại với những chuyển động mang tính kế thừa và phát triển rõ nét. Ở thế hệ tiên phong, nghệ sĩ Đào Châu Hải mang đến tác phẩm điêu khắc lớn “Vô đề” mạnh mẽ, cứng rắn; nghệ sĩ Lê Thị Hiền với tác phẩm “Sen” là sự chuyển động mềm mại của khối và nét. Thế hệ tiếp nối như nghệ sĩ Thái Nhật Minh, Khổng Đỗ Tuyền… đều cho thấy sự trưởng thành, cứng cáp. Trong khi, các nghệ sĩ trẻ như Đào Tân, Đỗ Hà Hoài… có nhiều ý tưởng mới mẻ về tư duy, kỹ thuật.

Là đại diện Ban tổ chức, đồng thời có tác phẩm tham gia triển lãm, nghệ sĩ Thái Nhật Minh nhận định, các tác phẩm của các tác giả miền Bắc có vẻ thâm trầm hơn. Câu chuyện họ kể thường có phần nhẹ nhàng, ý nhị, tình tứ hơn. Còn các tác giả phía Nam lại bộc lộ sự tự do, phóng khoáng và xen chút hóm hỉnh. Song cả hai phong cách đó lại tương đối bổ trợ cho nhau. Và những tinh hoa nghệ thuật mà các nhà điêu khắc đem đến lần này có tầm vóc vượt qua triển lãm nhóm thông thường.

Tạo nhiều không gian cho điêu khắc

Thực tế, không ít liên hoan, triển lãm mỹ thuật có quy mô toàn quốc nhưng chỉ trưng bày tác phẩm, thiếu các hoạt động giao lưu bên lề, hay tọa đàm nghệ thuật, nên thường chỉ đông trong ngày khai mạc. “Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn” lần thứ 8 luôn tấp nập người tham quan trải nghiệm, đồng thời có nhiều hoạt động tương tác, giao lưu, trò chuyện để giới nghề nhìn nhận sâu sắc về điêu khắc đương đại, truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp nối và định hướng tương lai nghệ thuật điêu khắc nước nhà.

Nghệ sĩ Đào Châu Hải, người sáng lập chuỗi “Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn” cho biết, quan điểm xuyên suốt của hoạt động này là phát triển ngôn ngữ và chất liệu điêu khắc đương đại tương quan với sự phát triển của công nghệ và đời sống xã hội. Gắn bó với điêu khắc thời gian dài, nghệ sĩ Đào Châu Hải nhận định, trong sự phát triển chung của nghệ thuật tạo hình, điêu khắc đương đại Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào đời sống xã hội qua những công trình, tượng, tượng đài. Tuy nhiên, loại hình này chưa có chỗ đứng trên thị trường như hội họa, đồ họa…

Trăn trở về đời sống điêu khắc, nghệ sĩ Phạm Đình Tiến cho rằng, không gian trưng bày cho nghệ thuật điêu khắc tại Việt Nam hiện quá ít. Nhiều tác phẩm chất lượng, thấy rõ sự sáng tạo và thông điệp tích cực, song kích thước lớn, thiếu không gian phù hợp trưng bày nên khó lan tỏa rộng rãi đến công chúng. Điều các nghệ sĩ mong mỏi là có nhiều không gian cho điêu khắc, đặc biệt là các không gian công cộng, không gian ngoài trời để sáng tạo được bung nở, đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Về phát triển thị trường cho điêu khắc, theo kiến trúc sư Hoàng Minh Tuệ, mỹ thuật cần được xem xét như một yếu tố gắn liền với kiến trúc, góp phần nâng tầm không gian sống. Vì vậy, trong các thiết kế, kiến trúc sư nên xem xét để đưa vào các tác phẩm điêu khắc phù hợp. Kiến trúc sư Hoàng Minh Tuệ cũng cho rằng, cần có thêm nhiều không gian trưng bày tác phẩm điêu khắc để hình thành khả năng cảm thụ nghệ thuật cho công chúng, từ đó, mỗi người sẽ thấy cần thiết trong việc sử dụng tác phẩm điêu khắc để làm đẹp, nâng tầm cảnh quan.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dieu-khac-duong-dai-viet-nam-gang-tim-cho-dung-trong-doi-song-674437.html
Zalo