Điều khác biệt giữa 3 Bí thư Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình trước khi sáp nhập tỉnh

Cả 3 Bí thư Tỉnh ủy của Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình đều là những cán bộ thuộc thế hệ 7X, được đào tạo bài bản. Riêng Bí thư Hà Nam là cán bộ trưởng thành tại chỗ, 2 bí thư còn lại được Trung ương luân chuyển về.

Theo chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình được hợp nhất thành một, lấy tên là tỉnh mới là Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình mới có diện tích 3.942,6km2, dân số hơn 4,4 triệu người với 129 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 97 xã, 32 phường).

Dự kiến sau khi sắp xếp sẽ giảm được 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh, kết thúc hoạt động của 22 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm được 269 xã (đạt 67,58%). Đồng thời với đó là tinh giản số lượng tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng quy mô địa bàn, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho tỉnh mới thành lập.

Khi hợp nhất, nhân sự lãnh đạo chủ chốt cũng như tổ chức, bộ máy của 3 tỉnh, thành này sẽ được sắp xếp lại. Theo định hướng của Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương sẽ thẩm định và tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định nhân sự bí thư, phó bí thư tỉnh ủy.

Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh

Trong 3 bí thư của các tỉnh này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trương Quốc Huy là người duy nhất đang kiêm cả vị trí Chủ tịch UBND tỉnh và hiện là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trương Quốc Huy. Ảnh: Văn Chương

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trương Quốc Huy. Ảnh: Văn Chương

Ông Trương Quốc Huy sinh năm 19/6/1970; quê quán ở tỉnh Nam Định. Ông có bằng cử nhân Kinh tế lao động (Đại học Kinh tế Quốc dân), thạc sỹ Quản lý kinh tế.

Việc sáp nhập ba tỉnh sẽ giúp tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường quy mô kinh tế, cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, mở rộng không gian phát triển và khai thác hiệu quả các nguồn lực như kinh tế biển, du lịch, công nghiệp và logistics. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy

Từng là Tổng giám đốc công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, ông Huy chuyển sang công tác chính quyền và nhanh chóng ghi dấu ấn qua các vị trí: Phó chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Duy Tiên, rồi Chủ tịch trước khi trở thành Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam vào đầu tháng 3 vừa qua.

Với sự kết hợp giữa tư duy quản trị doanh nghiệp và kinh nghiệm quản lý nhà nước, ông Huy được kỳ vọng trở thành một lãnh đạo địa phương với phong cách điều hành năng động, sáng tạo và quyết đoán.

Từng trực tiếp giúp việc cho lãnh đạo chủ chốt

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định hiện nay là ông Đặng Khánh Toàn, sinh năm 1972, quê quán tại tỉnh Hải Dương. Ông là cán bộ được đào tạo bài bản với trình độ thạc sĩ Kinh tế, cử nhân Ngoại ngữ.

Trải qua nhiều năm công tác trong ngành thanh tra và sau đó là công tác tham mưu, tổng hợp tại Văn phòng Trung ương, ông Toàn từng trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng, trực tiếp giúp việc cho lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn. Ảnh: Trọng Tùng

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn. Ảnh: Trọng Tùng

Ông Toàn từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Thanh tra Chính phủ như: Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, Vụ trưởng Vụ Thanh tra.

Sáp nhập 3 tỉnh là “cơ hội vàng” để tái cấu trúc toàn diện không gian phát triển, giải phóng các điểm nghẽn hiện hữu, huy động và phát huy tối đa mọi nguồn lực. Việc sáp nhập là thời điểm lý tưởng để định vị lại ngành, lĩnh vực theo đặc trưng của từng vùng, từ du lịch di sản, nông nghiệp đặc hữu đến công nghiệp công nghệ cao, logistics, và phát triển xanh bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn

Tháng 7/2021, ông được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nơi tham mưu, tổng hợp và phục vụ trực tiếp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đến ngày 8/11/2024, ông Toàn được Bộ Chính trị tin tưởng điều động, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhiệm kỳ 2020-2025 và tham gia Đảng ủy Quân khu 3 nhiệm kỳ 2020-2025.

Việc Bộ Chính trị tín nhiệm điều động ông về giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nam Định thể hiện sự kỳ vọng của Trung ương vào khả năng quy tụ và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị tại một địa phương có truyền thống văn hóa sâu sắc, từ đó phát huy truyền thống của địa phương, đồng thời điều hành năng động, sáng tạo để đưa Nam Định phát triển nhanh, bền vững.

Vị Bí thư có tư duy lý luận sắc bén

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình hiện nay là ông Đoàn Minh Huấn, sinh năm 1971, quê quán ở tỉnh Hà Tĩnh và hiện là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Ông có học vị tiến sĩ Lịch sử Đảng, được phong hàm Phó giáo sư, đồng thời là cán bộ lý luận có nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu và tham gia hoạch định chính sách.

Khởi đầu sự nghiệp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như: Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Trưởng khoa Dân tộc - Tôn giáo - Tín ngưỡng, và Trưởng khoa Chính trị học tại Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 1; Phó giám đốc, sau đó là Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 1; Phó tổng biên tập, rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn. Ảnh: Báo Ninh Bình

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn. Ảnh: Báo Ninh Bình

Trong suốt quá trình công tác, ông Đoàn Minh Huấn được đánh giá là một nhà lý luận uyên bác, có khả năng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ trẻ.

Ngày 31/3/2023, Bộ Chính trị điều động và chỉ định ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là minh chứng cho sự tin tưởng sâu sắc của Trung ương đối với một nhà lãnh đạo có tư duy lý luận sắc bén và kinh nghiệm thực tiễn dày dặn.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn:

Với đặc điểm sông - biển - núi - đồng bằng, tỉnh Ninh Bình có điều kiện phát triển mạnh các đô thị ven sông, ven biển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Nông nghiệp cần chuyển dịch sang mô hình sinh thái, đa giá trị, tích hợp du lịch và bảo tồn cảnh quan.

Đặc biệt, Ninh Bình mới sẽ không chỉ là vệ tinh hay đối trọng của các siêu đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, mà cần xác lập là “đô thị đối ngẫu", nghĩa là bổ khuyết những điểm thiếu hụt, đồng thời dẫn dắt xu thế phát triển về du lịch, giáo dục, khoa học - công nghệ của vùng.

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dieu-khac-biet-giua-3-bi-thu-ha-nam-nam-dinh-ninh-binh-truoc-khi-sap-nhap-tinh-2403027.html
Zalo