Điều hành giá phù hợp, lên kịch bản kiểm soát lạm phát
Cơ quan quản lý, điều hành giá của Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến có thể tác động lên mặt bằng giá, để cập nhật các kịch bản điều hành giá, đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra trong năm 2025.

Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 1,3% so với tháng 12/2024 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tháng 3/2025, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến trong nước.
Qua đó phân tích, đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá để cập nhật các kịch bản điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra năm 2025.
Về quản lý một số mặt hàng thiết yếu, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) giảm do ảnh hưởng từ giá thế giới, giá thóc, gạo tẻ thường giảm theo giá xuất khẩu, trong khi giá thịt lợn tăng do nguồn cung hạn chế. Giá thép xây dựng và xi măng cơ bản ổn định, không có biến động bất thường.

Tốc độ tăng/giảm chỉ số CPI theo tháng 1, 2, 3 và chỉ số CPI quý I của năm 2024 và 2025. Biểu đồ: H.Dịu
Tính chung quý I/2025, theo Cục Thống kê, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân quý I/2025, lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,22%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, mục tiêu lạm phát năm 2025 được Chính phủ đưa ra là 4,5% - cao hơn so với năm 2024 cũng như những dự báo của các tổ chức quốc tế. Rủi ro lạm phát đến từ cả chi phí đẩy (giá hàng hóa thế giới, chính sách bảo hộ thương mại) và tổng cầu (các biện pháp kích thích tăng trưởng).
Song khác với các năm trước, rủi ro lạm phát từ chi phí đẩy sẽ cao hơn trong năm 2025.
Theo đó, rủi ro về thiên tai hay các biến động thời tiết bất lợi trên thế giới có thể tạo nên lo ngại về an ninh lương thực tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến giá nhiều loại mặt hàng trên thị trường thế giới.
Xu hướng bảo hộ thương mại với các chính sách thuế quan trả đũa lẫn nhau giữa các nước trên thế giới có thể làm xáo trộn các chuỗi cung ứng mà Việt Nam là mắt xích.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá vào đầu tháng 2/2025, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2025, một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát; đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.
Hơn nữa, Việt Nam tự chủ được sản xuất lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện...
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, CPI bình quân năm 2025 dự báo tăng 4-4,5%.
Lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát do sức cầu chưa phục hồi mạnh, nguồn cung hàng hóa - dịch vụ thiết yếu trong nước được bảo đảm, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn.
Theo GS. TS. Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế quốc dân, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với một mặt hàng mà Việt Nam có tham gia sản xuất thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng lên, từ đó tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường, góp phần làm tăng lạm phát.
Hơn nữa, rủi ro lạm phát năm 2025 còn đến từ phía tổng cầu, khi các biện pháp kích thích tăng trưởng thông qua tổng cầu được triển khai và áp dụng.
Động thái gần đây cho thấy Chính phủ đang sẵn sàng chấp nhận một mức lạm phát cao hơn các năm trước nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, các chính sách đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính cần được tăng cường. Các chính sách trọng cung và cải cách thể chế cần được quyết liệt thực hiện cho mục tiêu tăng trưởng bền vững và dài hạn.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, nước ta đang hướng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, điều này có thể gây áp lực lên lạm phát, nên cần duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Trong chỉ đạo mới đây, Bộ Tài chính đã yêu cầu Cục Quản lý giá bám sát, theo dõi diễn biến giá cả, thường xuyên cập nhật kịch bản lạm phát để kịp thời báo cáo các giải pháp điều hành giá phù hợp.
Đồng thời cần chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để báo cáo Bộ về phương án điều hành giá xăng dầu theo định kỳ; phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành./.